13:36 03/12/2021

Chứng nhận bền vững đưa nông sản Việt chinh phục châu Âu

Chu Khôi

Dự án BioTrade SECO đang hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp ngành nguyên liệu tự nhiên với kỳ vọng góp phần tăng cường năng lực xuất khẩu và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt…

Chuyên gia châu Âu phát biểu trực tuyến tại hội thảo.
Chuyên gia châu Âu phát biểu trực tuyến tại hội thảo.

Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công thương (Vietrade) và Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) tổ chức Hội thảo “Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu hàng nguyên liệu tự nhiên và nông sản chế biến sau đại dịch Covid 19” vào chiều 2/12/2021.

THẢO DƯỢC THIÊN NHIÊN BÁN CHẠY THỜI COVID-19

Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Dự án Thương mại sinh học vùng giai đoạn 2 (Dự án BioTrade SECO) cho biết Dự án BioTrade SECO do CRED đang triển khai đồng hành cùng tổ chức Helvetas Việt Nam với sự tài trợ của của Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO).

BioTrade SECO giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2024 với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học thông qua thương mại bền vững các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên với sự tham gia của các công ty xuất khẩu và các nhà sản xuất địa phương vào các chuỗi giá trị toàn cầu, và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học ở khu vực Mekong.

Các hợp phần chính của Dự án BioTrade SECO
Các hợp phần chính của Dự án BioTrade SECO

Ông Charles Mordet, Chuyên gia quốc tế Tư vấn về Thương mại quốc tế và Phát triển kinh doanh chia sẻ các thách thức và cơ hội cho các nước xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại hậu Covid, vai trò của tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và sự hỗ trợ của SIPPO.

Tại châu Âu hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Người tiêu dùng tại thị trường này sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Họ quan tâm đến giá trị bền vững về kinh tế và môi trường, bao gồm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Các sản phẩm gia vị hữu cơ tại Việt Nam đã được cấp chứng nhận bền vững
Các sản phẩm gia vị hữu cơ tại Việt Nam đã được cấp chứng nhận bền vững

Theo ông Charles Mordet, kết quả khảo sát nghiên cứu cho thấy, những năm gần đây, tăng trưởng doanh thu bán sản phẩm của các doanh nghiệp cam kết bền vững đã gấp 4 lần tăng trưởng của đối thủ.

Tại thị trường EU, 68% người tiêu dùng  được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm bền vững. Khảo sát của Nielsen về tiêu dùng tại 60 quốc gia cho thấy, EU là thị trường lớn thứ 2 của sản phẩm chứng nhận Organic.

Đến nay, những Tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm (Organic, GAP, ISO, HCCAP, etc.) đã trở thành tiêu chuẩn thường quy, là yêu cầu pháp lý bắt buộc tại EU.

Các hoạt động chính của Dự án trong năm 2020-2021
Các hoạt động chính của Dự án trong năm 2020-2021

Ông Tạ Minh Sơn, đại điện của Liên minh Đạo đức Thương mại đa dạng sinh học (UEBT) tại khu vực Đông Nam Á giới thiệu về xu hướng bền vững trong ngành nguyên liệu tự nhiên, đồng thời cập nhật tiêu chuẩn khai thác nguyên liệu bền vững.

 
"Chứng nhận UEBT và bộ tiêu chuẩn EBT  được xây dựng dựa vào Nguyên tắc và Tiêu chí Thương mại Đa dạng Sinh học bởi sáng kiến Thương mại Đa dạng Sinh học của UNCTAD, căn cứ trên mục tiêu đề cập trong nhiều công ước quốc tế: Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD), Công ước thương mại quốc tế các loài nguy cấp (CITES), và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs)".
Ông Tạ Minh Sơn- Đại điện của Liên minh Đạo đức Thương mại đa dạng sinh học (UEBT)

Chứng nhận UEBT được công nhận trên toàn thế giới, được xác thực bởi bên thứ 3 và nhận xét đa bên, từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tới cộng đồng địa phương và người bản địa. Bộ tiêu chuẩn EBT được thiết lập cho  các nhóm sản phẩm: Mỹ phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, tinh dầu, hương liệu …; Thực phẩm gồm thảo dược và gia vị, phụ gia thực phẩm, … Dược phẩm gồm thảo dược, trà thảo dược,

Bà Geertje Otten, Giám đốc điều hành của Profound, cho hay thị trường hương liệu trên thế giới tăng trưởng đều và đạt 8,2% hàng năm. Thị trường mỹ phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hiện chiếm 3,9% tổng thị trường mỹ phẩm và ngày càng tăng.

Văn hóa ăn uống cũng đang hướng đến giảm calo và giảm cân ở Châu Âu, khiến thị trường protein thực vật ở châu Âu đang phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng hàng năm 5,9%, dự báo sẽ đạt 9,5 tỷ USD vào năm 2027.

“Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid xuất hiện đến nay, nhu cầu thực phẩm chức năng tại châu Âu đã tăng vọt tới 72%, bởi đông đảo người tiêu dùng kỳ vọng các loại  thực phẩm chức năng, trà, gia vị sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Đây là cơ hội để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tăng cường miễn dịch để phòng chống dịch Covid -19”, bà Geertje Otten thông tin.

THƯƠNG MẠI TRỰC TUYẾN ĐỂ VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp ngành nguyên liệu tự nhiên và nông sản chế biến đã đăng đàn nói lên các nhu cầu và đề xuất hỗ trợ từ dự án BioTrade SECO và các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thời kỳ hậu Covid.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex) cho hay, tới nay, doanh nghiệp đã sở hữu 10 chứng nhận quốc tế về sản phẩm hữu cơ, an toàn thực phẩm. Những “tấm giấy thông hành” đó, đã đưa sản phẩm quế, hồi mang thương hiệu Vinasamex vươn tới nhiều thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, vùng trồng quế, hồi hữu cơ của Vinasamex tăng lên gần 4000 ha với sự tham gia của 3.000 hộ trồng tại 3 tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn và Lào Cai. 

Sản phẩm quế hồi của Vinasamex đã chinh phục thị trường EU nhờ các chứng nhận quốc tế
Sản phẩm quế hồi của Vinasamex đã chinh phục thị trường EU nhờ các chứng nhận quốc tế

Lãnh đạo DACE cho hay, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các nông sản chất lượng cao định hướng hữu cơ tập trung vào các sản phẩm từ gừng, nghệ, ớt.

Với sự hỗ trợ của Dự án BioTrade SECO, DACE hiện đã có vùng trồng 5 loại gia vị khác nhau trên địa bàn Cao Bằng: gừng, nghệ, ớt, sả và tỏi với tổng diện tích canh tác 300 ha. Nhờ có chứng nhận UEBT, nên sản phẩm gừng, tỏi từ Cao Bằng đã xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Vấn đề nhiều doanh nghiệp băn khoăn là, từ tháng 3/2020, hầu hết các hội chợ chính đã bị huỷ hoặc hoãn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xúc tiến thương mại và các chiến lược marketing xuất khẩu. Sau gần hai năm đại dịch, hạn chế đi lại vẫn còn duy trì ở nhiều quốc gia. Và với chủng mới liên tục xuất hiện, sẽ còn rất nhiều yếu tố bất ổn cho hoạt động xúc tiến thương mại từ 2022.

"Những doanh nghiệp như chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức có chuyên môn để có thể vượt qua những trở ngại thời kỳ đại dịch. Công ty cần đào tạo nhân lực hiểu yêu cầu sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thông thạo làm việc qua các nền tảng trực tuyến”, đại diện DACE bày tỏ.

Giải đáp vấn đề này, các chuyên gia cho rằng các sự kiện kết nối B2B trực tuyến và các phương thức kết nối trực tuyến khác đã được đẩy mạnh, thay thế và thích ứng tạm thời trong điều kiện hạn chế do đại dịch. Các doanh nghiệp và chính phủ đã thích ứng theo nhiều hình thức để duy trì xuất khẩu, tuy nhiên hiệu quả kết nối trực tuyến được ghi nhận ở nhiều mức khác nhau.

Tới đây, hình thức Kết hợp trực tiếp và trực tuyến- HYBRID sẽ trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp và cơ quan hỗ trợ cần phải thích ứng và trang bị đầy đủ các công cụ, phương thức để khai thác tối ưu.