14:35 17/09/2021

Ở nhà nhưng đừng “mắc kẹt” trong hội chứng “sốt cabin”

Hoài Phương

Trái ngược với tên gọi, “sốt cabin” không hề có triệu chứng gì về cơ thể nhiệt độ tăng. Thực chất, hội chứng này ảnh hưởng đến tâm lý là chủ yếu và có xu hướng xảy ra nhiều hơn trong thời điểm mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội…

Có nhiều người rất tận hưởng khoảng thời gian ở nhà của họ, họ yêu thích sự tĩnh lặng và cảm giác không phải đối diện với sự phiền phức và ồn ào của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, với khá nhiều người khác, những người yêu thích sự vận động và cuộc sống hướng ngoại, thì việc bị “mắc kẹt” trong một không gian nhất định trong thời gian dài sẽ là một vấn đề rất lớn.

MỘT HỘI CHỨNG KHÔNG MỚI

Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, “sốt cabin” (Cabin Fever) là trạng thái chán nản, không mục đích khi bạn bị mắc kẹt trong một không gian nhất định. Bạn chỉ có thể đi loanh quanh trong một khu vực nhỏ như trong phòng, trong nhà từ vài tiếng đồng hồ đến nhiều ngày.

Cabin Fever bắt nguồn tại vùng Bắc Mỹ vào thế kỉ XVIII, khi những người định cư đầu tiên tại đó đã sống trong những căn chòi ghép bằng gỗ (log cabin). Họ phải trải qua mùa đông dài trên Đại Thảo nguyên với thời tiết lạnh và gió, cách xa khu vực dân cư, tạo thành tình trạng cách ly hoàn toàn trong nhiều tháng. Và “sốt cabin” đã xuất hiện từ đó. 

Ngày trước, “sốt cabin” cũng là một hội chứng cũng thường xuyên xảy ra với các phi hành gia du hành vũ trụ. Phi hành gia Colonel Terry Virts – một nhân viên NASA từng thực hiện nhiệm vụ và ở trên phi thuyền ngoài vũ trụ hơn 5.000 giờ, tương đương 213 ngày. Và ông cho rằng, mình đã mắc một hội chứng bao gồm nhiều thay đổi trong cảm xúc và hành vi.

Giờ đây, trong đại dịch Covid-19, cả thế giới dường như đều được trải qua cảm giác “sốt cabin”. Tương tự những từ như “quarantine” (cách ly), “social distance” (giãn cách xã hội), đại dịch cũng là nguyên nhân khiến từ “cabin fever” được nhiều người dùng. Năm 2020, tờ Guardian đã đặt tiêu đề “From Panic Room to Cabin Fever” cho một bài báo liệt kê danh sách các bộ phim thích hợp để xem trong mùa dịch. Trong tiếng Việt, để diễn tả trạng thái tương tự “sốt cabin”,  chúng ta thường dùng từ “ngột ngạt” “bức bối” hay là “sinh bệnh”…

Sự thay đổi từ một lối sống giao tiếp xã hội gấp gáp sang lối sống bị hạn chế, thậm chí bị cô lập khỏi xã hội khiến cơn “sốt cabin” bị kích hoạt nhiều hơn bao giờ hết.
Sự thay đổi từ một lối sống giao tiếp xã hội gấp gáp sang lối sống bị hạn chế, thậm chí bị cô lập khỏi xã hội khiến cơn “sốt cabin” bị kích hoạt nhiều hơn bao giờ hết.

Con người chúng ta tiến hoá như những loài vật khác trong xã hội, con người nói chung có xu hướng cảm nhận và thực hiện các chức năng cuộc sống tốt hơn khi kết nối với xã hội xung quanh.Trong đại dịch, nhiều người đang và phải tự cô lập bản thân để thích nghi với những hạn chế về giãn cách xã hội, không được quyền ra đường và tạo sự liên kết với người khác. Sự thay đổi từ một lối sống giao tiếp xã hội gấp gáp sang lối sống bị hạn chế, thậm chí bị cô lập khỏi xã hội khiến cơn “sốt cabin” bị kích hoạt nhiều hơn bao giờ hết.

Những lí do như việc khó khăn khi gặp gỡ bạn bè và người thân; bị ngăn cản khỏi các hoạt động mà bình thường ta rất yêu thích thực sự không dễ chịu gì. Việc work-from-home, làm việc tại nhà, khiến nhiều người cảm thấy bị bùng nổ và kiệt sức bởi công việc tại nhà dường như không giới hạn. Ngược lại, vì nhiều hoạt động trong xã hội dường như tạm ngưng, nhiều người bị giảm đi số lượng công việc cũng như lo âu về các tác động kinh tế khiến họ mất đi động lực làm việc, động lực sống.

Đặc biệt là những người có sẵn các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm, các triệu chứng của họ dường như càng nặng hơn và tác động lớn hơn vì gặp khó khăn trong việc thực hiện các liệu trình trị liệu chữa lành, hay gặp gỡ nhà trị liệu tâm lý.

LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI TÁC ĐỘNG CỦA “SỐT CABIN”?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tập thể dục thường xuyên ít bị ảnh hưởng tâm trạng theo hướng tiêu cực hơn so với những người không tập thể dục. Lý do là vì hoạt động thể chất làm giảm các hormone căng thẳng, như cortisol. Đồng thời, hoạt động tập thể dục sẽ giúp não giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và nâng cao cảm giác tích cực.

Nếu không thể ra ngoài, bạn có thể thực hiện bài tập rèn luyện bằng những bài tập cơ bản hàng ngày để đánh bại hội chứng “sốt cabin”. Hãy tập luyện thể dục tại nhà trong mùa dịch bệnh hoặc tìm những bài tập được đăng tải trực tuyến trên kênh YouTube, các ứng dụng tập thể dục. Để nâng cao động lực tập luyện, bạn có thể rủ bạn bè cũng thực hiện kế hoạch hoạt động thể chất, đặt ra những thách thức phù hợp để mọi người cùng cố gắng vượt qua.

Những di chuyển đơn giản như dọn dẹp phòng ốc, chăm sóc nhà cửa, hay lên xuống cầu thang cũng khiến ta đốt kha khá calo.
Những di chuyển đơn giản như dọn dẹp phòng ốc, chăm sóc nhà cửa, hay lên xuống cầu thang cũng khiến ta đốt kha khá calo.

Ngoài ra còn có một số lưu ý được đề xuất để chúng ta có thể cải thiện cuộc sống và tâm trạng trong những ngày cách ly xã hội:

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Bên cạnh việc ăn uống đúng bữa, mọi người nên tìm hiểu cách dinh dưỡng tác động lên cơ thể và tinh thần của mình. Ăn uống nhiều chất xơ (rau củ quả,…), giảm đi các chất béo xấu (đường, dầu mỡ,…) và uống nhiều nước. Một cơ thể khoẻ mạnh, đặc biệt là ruột khoẻ giúp chúng ta ngăn chặn cảm giác khó chịu, dẫn đến mệt mỏi, kiệt sưc, và sự bồi hồi lo lắng.

Cố gắng di chuyển nhiều hơn trong nhà. Những di chuyển đơn giản như dọn dẹp phòng ốc, chăm sóc nhà cửa, hay lên xuống cầu thang cũng khiến ta đốt kha khá calo và tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin giúp chúng ta thoải mái hơn.

Kết nối với thiên nhiên. Nếu bạn ở thành phố, đơn giản như việc trồng cây/tưới cây ngoài ban công, ngắm hoàng hôn hay nghe âm thanh của động vật như chim chóc, chó mèo,.. cũng khiến bạn giảm được kha khá căng thẳng và lo âu trong giãn cách xã hội. Ngoài ra, thời điểm này cũng rất thích hợp để học các kĩ năng mới, hay đơn giản là thử những thói quen hay hoàn thành những kế hoạch mà bình thường không có thời gian để làm.

Tự tạo niềm vui cho mình. Để chiến đấu với "sốt cabin", bạn có thể nghe nhạc, vẽ tranh, xem phim hay làm bất cứ điều gì mình thích. Trang trí lại phòng ngủ hoặc góc làm việc của mình cũng là ý hay. Thậm chí, hãy cố gắng để dành ít nhất 30 phút trò chuyện cùng gia đình, bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp của mình. Bạn có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính video call để thấy mặt mọi người, tạo cảm giác gần gũi hơn. Hoặc nếu không tiện, bạn có thể gọi điện thoại trực tiếp, đặt ra mục tiêu một ngày phải hỏi thăm – trò chuyện cùng tối thiểu 3 người…

 
Sốt cabin là một trạng thái tâm trí tiêu cực có thể bao gồm các cảm giác: Chán nản; Cáu gắt; Bồn chồn; Thiếu kiên nhẫn; Lo lắng; Thiếu động lực; Cô đơn; Vô vọng; Phiền muộn…
Mặc dù “sốt cabin” không phải là một bệnh tâm lý được công nhận, nhưng những tác động của bệnh lên tinh thần và thể chất là không thể phủ nhận. Những tác động của nó lên hành vi sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Các tác động của sốt cabin lên hành vi con người có thể bao gồm: Mất nhận thức về ngày giờ; Khó ngủ; Ngủ quá nhiều; Khó tập trung; Thay đổi vẻ bề ngoài; Thay đổi thói quen ăn uống; Tiêu thụ quá nhiều rượu bia…