13:51 27/09/2024

OECD: Lạm phát được kiềm chế, kinh tế toàn cầu khởi sắc

An Huy

OECD dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm nay và mức tăng như vậy cũng sẽ được ghi nhận trong năm 2025...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Lãi suất giảm và tiền lương thực tăng lên sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu tăng tốc nhẹ trong năm nay và năm tới, và xu hướng giảm gần đây của giá dầu sẽ hỗ trợ cho chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định trong một báo cáo mới công bố.

Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu đặt tại thủ đô Paris, Pháp cũng cảnh báo rằng những dự báo “tương đối ôn hòa” này có thể sẽ không trở thành hiện thực, do vẫn còn đó nhiều bất định xung quanh ảnh hưởng của lãi suất cao đối với nhu cầu trong những tháng sắp tới và căng thẳng địa chính trị nóng lên ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng vọt trở lại.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế hàng quý công bố ngày 25/9, OECD dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm nay và mức tăng như vậy cũng sẽ được ghi nhận trong năm 2025. Năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới tăng 3,1%.

Đánh giá mới nhất của OECD về tăng trưởng toàn cầu tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tăng 3,1% đưa ra hồi tháng 5 và tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm so với dự báo 2,7% đưa ra hồi cuối năm 2023.

Trong đó, Mỹ được cho là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào sự khởi sắc, nhưng Ấn Độ, Anh và Brazil cũng được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự báo lúc đầu. Trái lại, Đức và Nhật Bản là những nền kinh tế gây thất vọng, với kinh tế Đức được dự báo có thể rơi vào tình trạng trì trệ trong năm nay, còn kinh tế Nhật được dự báo sẽ suy giảm nhẹ.

Nhưng dù OECD dự báo kinh tế toàn cầu tăng tốc và và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm về mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào cuối năm 2025, niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa có được sự cải thiện mạnh mẽ. Niềm tin tốt lên là yếu tố cần thiết để mang lại cho tăng trưởng kinh tế một cú huých tiếp theo.

OECD cho rằng nỗi thất vọng kéo dài về tình hình kinh tế - điều diễn ra không chỉ ở Mỹ - có thể liên quan tới việc giá thực phẩm hiện nay vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

“Đang có một sự mất kết nối giữa việc nền kinh tế được nhìn nhận ra sao và việc nền kinh tế thực chất đang diễn biến thế nào. Đối với những người đi siêu thị, giá thực phẩm trong tương quan so sánh với tiền lương vẫn cao hơn trước”, nhà kinh tế trưởng Alvaro Pereira của OECD nhận định.

Tại Mỹ, khoảng cách giữa lạm phát giá thực phẩm và lạm phát tiền lương trong thời gian từ 2019 đến quý 2/2024 là khoảng 4 điểm phần trăm. Khoảng cách này còn lớn hơn nhiều ở những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chẳng hạn mức hơn 15 điểm phần trăm ở Đức. Ở Nam Phi, con số là hơn 20 điểm phần trăm.

Việc giá dầu giảm mạnh gần đây có thể giúp xoa dịu nỗi thất vọng kinh tế và đẩy nhanh cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu có vẻ đã đi tới chặng cuối. OECD ước tính rằng nếu duy trì, việc giá dầu giảm 10% từ tháng 7 đến nay sẽ giúp tỷ lệ lạm phát toàn cầu giảm đi nửa điểm phần trăm. Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc lượng giảm đó có thể duy trì được hay không.

“Nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, giá năng lượng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Pereira nói.

Trong trường hợp tránh được sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông, OECD cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn, cho phép các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhanh hơn so với những gì được dự báo ở thời điểm hiện tại và tăng trưởng kinh tế sẽ được đẩy nhanh hơn ở những quốc gia phải nhập khẩu dầu.

Với triển vọng lạm phát giảm, OECD cho rằng các ngân hàng trung ương nên hạ lãi suất, nhưng nói thêm rằng việc hạ lãi suất cần được “đánh giá cẩn trọng” để đảm bảo rằng tốc độ tăng của giá cả sẽ tiếp tục chậm lại. OECD dự báo lãi suất quỹ liên bang của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm thêm 1,5 điểm phần trăm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, và lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm thêm 1,25 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian.

Báo cáo của OECD cho rằng những lần tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong các năm 2022-2023 để chống lạm phát hiện vẫn đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, dù áp lực đó đang giảm dần.

OECD nói nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn đang phải trả mức lãi suất cao hơn so với trước, khi các khoản nợ cũ của họ đáo hạn và họ vay khoản vay mới. Các nhà phân tích của tổ chức này ước tính khoảng 1/3 lượng nợ doanh nghiệp ở các nước giàu sẽ đáo hạn vào năm 2026, và nợ mới để thay thế số nợ này có thể phải chịu lãi suất cao hơn.

OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2024 ở mức 2,6% và của Trung Quốc ở mức 4,9%. Ông Pereira nói các biện pháp kích cầu mà Chính phủ Trung Quốc mới công bố trong tuần này có thể sẽ dẫn tới việc OECD nâng nhẹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong lần cập nhật vào đầu tháng 12.