Ông Trump muốn giảm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, liệu có khả thi?
Nhằm thực thi lời hứa giảm chi phí sinh hoạt cho người dân Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu công và tăng sản lượng khai thác dầu...

Theo tờ báo Wall Street Journal, dù ông Trump vẫn giục Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent gần đây đã phát tín hiệu rằng cả ông và ông Trump sẽ không trông chờ gì nhiều ở Fed. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống. Đây là lãi suất chủ yếu do thị trường tài chính quyết định và có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lãi suất khác trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà và lãi suất đi vay của doanh nghiệp qua phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, ý định này của chính quyền ông Trump sẽ không phải là một việc dễ dàng, vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dịch chuyển theo sự chi phối của các lực lượng kinh tế và thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà Trắng. Lợi suất trái phiếu giảm khi giá trái phiếu tăng, nên bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm lợi suất cũng cần tới việc giảm bớt nhu cầu đi vay của Chính phủ - đồng nghĩa giảm nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ - hoặc làm gia tăng sức hấp dẫn của nợ Mỹ đối với nhà đầu tư.
Dưới đây là những điều cần biết về ý tưởng giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ của ông Trump, theo Wall Street Journal:
MỘT TỔNG THỐNG MỸ CÓ THỂ GIẢM LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU KHO BẠC MỸ NHƯ THẾ NÀO?
Cách dễ nhất để một tổng thống Mỹ có thể tác động lên lợi suất trái phiếu kho bạc mỹ là thông qua chính sách tài khóa. Thâm hụt ngân sách giảm sẽ khiến nhu cầu đi vay của Chính phủ Mỹ giảm, dẫn tới nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ mới giảm xuống. Khi đó, giá của các trái phiếu đáng lưu hành sẽ tăng lên, và lợi suất của những trái phiếu này giảm xuống.
Mới đây, ông Bessent nêu ý tưởng như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Bloomberg, lập luận rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể giảm nếu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk dẫn đầu cắt giảm được chi tiêu của Chính phủ Mỹ.
Vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong suốt nhiều thập kỷ, Đảng Cộng hòa đã cho thấy “chúng tôi thích chi tiêu, nhưng chúng tôi muốn tăng chi tiêu ít hơn, còn Đảng Dân chủ muốn tăng chi tiêu nhiều hơn”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “điều gì sẽ xảy ra nếu chi tiêu thực sự giảm nhờ tất cả những việc mà chúng tôi đang làm?”
LIỆU CÓ NHỮNG LỰA CHỌN KHÁC HAY KHÔNG?
Các chính quyền của Mỹ cũng có sự tính toán thận trọng về loại nợ mà họ phát hành. Để tránh gây áp lực giảm giá đối với các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, Bộ Tài chính Mỹ có thể phát hành thêm tín phiếu (T-bill), loại nợ có thời hạn từ 1 năm trở xuống, thay vì hối phiếu (note) hay trái phiếu có kỳ hạn từ 2 đến 30 năm.
Trước đây, ông Bessent từng chỉ trích chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden là dựa quá nhiều vào tín phiếu, đồng thời gợi ý rằng có thể cần tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vừa rồi, ông Bessent nói rằng quy mô của các cuộc đấu giá trái phiếu hiện tại có thể sẽ duy trì “trong tương lai gần”.
Cuối cùng, ông Bessent nói chính quyền Trump 2.0 có thể kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm “giảm một cách tự nhiên” bằng cách tăng nguồn cung dầu thô và khí đốt. Ông nói rằng việc tăng nguồn cung năng lượng sẽ giúp kéo giá năng lượng xuống, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm với hiệu ứng tăng lạm phát.
Fed thường tập trung vào lạm phát lõi - dữ liệu không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn - nhưng việc giá năng lượng giảm vẫn có thể giúp lãi suất giảm. Giá dầu giảm cũng đồng nghĩa giá của các hàng hóa khác thấp hơn, từ đó có thể kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống - vì lợi suất trái phiếu chịu sự chi phối không nhỏ về kỳ vọng về lãi suất.
NHỮNG TRỞ NGẠI ĐỐI VỚI VIỆC GIẢM LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ MỸ
Thay đổi lớn trong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chủ yếu do tác động từ các số liệu kinh tế và và các tín hiệu chính sách của Fed, thay vì các tuyên bố của Nhà Trắng hay Bộ Tài chính Mỹ. Ben cánh đó, mục tiêu giảm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ của ông Trump còn gặp phải một số trở ngại khác.
Về vấn đề thâm hụt ngân sách chính phủ, các nhà đầu tư trái phiếu từ lâu đã cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ dẫn tới chênh lệch lớn hơn thay vì nhỏ hơn giữa thu ngân sách và chi ngân sách. Đó chính là một lý do vì sao lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong mùa thu năm ngoái, khi khả năng thắng cử của ông Trump trở nên lớn hơn.
Mới đây, Ủy ban Ngân sách thuộc Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn một kế hoạch nhằm giảm 4,5 nghìn tỷ USD tiền thuế trong vòng 1 thập kỷ tới so với luật hiện tại. Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu giảm chi tiêu công 2 nghìn tỷ USD, đi kèm với 300 tỷ USD chi tiêu mới, có thể cho lực lượng chấp pháp và quân đội tăng cường chống nạn nhập cư trái phép. Như vậy, mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong 1 thập kỷ tới vẫn có thể sẽ tăng lên, vì thu ngân sách sẽ giảm nhiều hơn so với chi ngân sách.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới mức 4,5% trong phiên ngày thứ Sáu vừa rồi, thấp hơn đáng kể so với mức khoảng 4,8% vào hồi giữa tháng 1, nhưng vẫn cao hơn mức 4,3% ở thời điểm ông Trump tái đắc cử.
Một số nhà phân tích cũng hoài nghi về việc liệu ông Trump có thể kéo giá năng lượng giảm đáng kể hay không.
Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, các cố vấn của Tổng thống đã thừa nhận rằng các công ty dầu khí Mỹ sẽ không khai thác thêm nhiều dầu. Nhiều công ty đã khai thác quá mức trong giai đoạn bùng nổ dầu đá phiến hồi những năm 2010 và rơi vào cảnh phá sản. Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - cũng không muốn tăng nguồn cung dầu toàn cầu, vì cả nước này và các thành viên OPEC khác đều cần giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách quốc gia.
ĐÃ CÓ TỔNG THỐNG MỸ NÀO KÉO ĐƯỢC LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU KHO BẠC MỸ GIẢM XUỐNG HAY CHƯA?
Chính quyền ông Trump không phải là chính quyền đầu tiên của Mỹ tìm cách giảm lãi suất trong nền kinh tế thông qua làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Thời Tổng thống Bill Clinton, Nhà Trắng từng có sự ám ảnh lớn về trái phiếu, đến mức chiến lược gia James Carville nói đùa rằng ông muốn được “đầu thai lại” làm thị trường trái phiếu vì như thế ông “có thể dọa bất kỳ ai”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Clinton đã hứa sẽ giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Nhưng sau khi thắng cử, ông đã từ bỏ đề xuất này, và thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc giảm thâm hụt ngân sách. Ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, vị Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ đã thông qua một kế hoạch tăng thuế quy mô lớn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống.
Nói chung, chiến lược của ông Clinton có vẻ mang lại tác dụng như mong đợi. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh trong năm 1993, rồi tăng trở lại trong năm sau đó khi Fed tăng lãi suất quyết liệt, nhưng rồi lại quay đầu đi xuống. Cùng với đó, kinh tế Mỹ tăng tốc mạnh, ông Clinton đã thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, và Chính phủ Mỹ đạt được trạng thái thặng dư ngân sách hiếm gặp.