Fed gặp khó đủ đường
Lạm phát ở Mỹ tăng tốc và các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ khiến áp lực lạm phát ở nước này càng thêm lớn trong thời gian tới...

Thực tế này khiến chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gặp trở ngại, trong khi ông Trump lại tìm cách gây sức ép để Fed giảm lãi suất nhanh hơn.
Các số liệu thống kê mới nhất không ủng hộ nỗ lực cắt giảm lãi suất của Fed. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 12/2/2025 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 1/2025 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước (mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023), và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2024 (tăng tốc từ mức 2,9% của tháng 12/2024). Cả mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước này đều cao hơn dự báo của giới phân tích, tương ứng là 0,3% và 2,9%.
Chỉ số CPI lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024, cũng đều cao hơn so với dự báo. Riêng mức tăng tháng của CPI lõi là cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Dữ liệu lạm phát tháng 1/2025 cho thấy tiến trình giảm lạm phát gập ghềnh và chặng cuối không dễ dàng trong cuộc chiến chống lạm phát mà Fed khởi xướng cách đây gần tròn 3 năm. Tốc độ lạm phát ở Mỹ đã giảm nhanh sau khi lập đỉnh trên 9% vào mùa hè năm 2022, nhưng tiến trình giảm lạm phát trong những tháng gần đây trở nên rời rạc.
CƠ HỘI HẠ LÃI SUẤT SỤT GIẢM
Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, gọi báo cáo lạm phát trên là một “sự thức tỉnh”. Dù nói rằng không muốn suy đoán quá nhiều từ một báo cáo lạm phát duy nhất, đặc biệt là khi dữ liệu của tháng 1 thường chịu sự chi phối nhiều của các yếu tố mùa vụ, ông Goolsbee nhấn mạnh rằng sự tăng tốc của lạm phát trong tháng 1/2025 là một diễn biến không được mong đợi.
Giới phân tích vốn dĩ đã rất mong đợi sự cải thiện hơn nữa của giá cả ở nhóm nhà ở, bởi giá nhà ở Mỹ tăng cao trong năm 2024 là một yếu tố quan trọng cản trở tiến trình giảm lạm phát.
Ông Jonathan Wright, từng là nhà kinh tế học tại Fed và hiện công tác tại Đại học Johns Hopkins, nói rằng dữ liệu mới nhất “củng cố khả năng lạm phát mắc kẹt ở ngưỡng khoảng 3% và mức giảm lạm phát 1 điểm phần trăm cuối cùng là rất khó đạt được”, ý nhắc đến mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Ông Wright cũng cho rằng trong ngắn hạn, khả năng Fed có một đợt tăng lãi suất “ít nhất cũng ngang bằng” với khả năng có một đợt giảm lãi suất.
Trên thị trường lãi suất tương lai tại thời điểm ngày 13/2/2025, khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 chỉ còn hơn 30%, từ mức hơn 50% của ngày hôm trước, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Trước khi báo cáo CPI được công bố, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất thêm tổng cộng 0,37 điểm phần trăm trong năm 2025. Nhưng sau khi số liệu này được công bố, kỳ vọng về mức giảm lãi suất của cả năm giảm còn 0,27 điểm phần trăm.
Điều này phản ánh khả năng lớn hơn là Fed chỉ có một lần duy nhất giảm lãi suất trong năm 2025, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Giới phân tích nhận định nếu Fed có giảm lãi suất trong năm nay, động thái đó chỉ có thể diễn ra vào nửa sau của năm.
Áp lực giá cả ở Mỹ cho thấy sự dai dẳng đúng vào thời điểm nền kinh tế đối mặt với sự bấp bênh lớn. Trong 3 tuần cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã đưa ra một loạt kế hoạch thuế quan phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu - từ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc, Canada và Mexico, cho tới thuế quan đánh vào toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu, và ý tưởng áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia. Cùng với các chính sách khác của ông Trump như giảm thuế, trục xuất người nhập cư trái phép và nới lỏng quy chế giám sát, các kế hoạch và ý tưởng thuế quan này tạo thành một “hỗn hợp” khó đoán định.
Dù còn nhiều tranh cãi về hiệu ứng của các chính sách này với tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế nghiêng về khả năng các chính sách đó có thể khiến lạm phát ở Mỹ trỗi dậy, phá hỏng thành quả cuộc chiến chống lạm phát mà Fed đã có được tính đến thời điểm này.
“Rủi ro là lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại”, ông Alan Deitmeister - người từng có thời gian là nhà kinh tế học tại Fed và hiện làm tại ngân hàng Thụy Sỹ UBS - nói về các đề xuất chính sách của ông Trump. Ông Deitmeister cho rằng hiệu ứng của các chính sách đó đến đâu sẽ tùy thuộc vào việc mỗi chính sách được thực thi cụ thể như thế nào, và triển vọng kinh tế Mỹ ở thời điểm này là “rất khó đoán”.
Ông Trump và các đồng minh của ông trong Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden gây lạm phát cao. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Jason Smith cho rằng ông Biden “không kéo được giá cả xuống và để lại một mớ hỗn độn lạm phát để Tổng thống Trump phải dọn dẹp”. Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau báo cáo CPI, ông Trump đã viết: “Ông Biden gây lạm phát cao!”.
FED ĐƯƠNG ĐẦU ÁP LỰC CHÍNH TRỊ
Đối mặt với thực tế lạm phát cao nhưng ông Trump lại muốn Fed giảm lãi suất - hướng đi có thể khiến lạm phát tăng dữ dội hơn nữa. Cùng ngày 12/2/2025, trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cho rằng lãi suất cần phải thấp hơn, đó là “điều cần phải đi song hành với thuế quan sắp tới”.
Đây là lần thứ hai kể từ khi lên cầm quyền trong nhiệm kỳ này, ông Trump kêu gọi Fed hạ lãi suất. Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ (tháng 1/2025), ông Trump thể hiện rõ quan điểm muốn lãi suất thấp hơn.
“Tôi sẽ yêu cầu lãi suất giảm ngay lập tức và lãi suất cũng nên giảm trên toàn thế giới. Lãi suất ở các nền kinh tế khác nên giảm theo chúng tôi”, ông Trump tuyên bố.
Đứng trước áp lực chính trị và thực tế lạm phát dai dẳng, Fed thể hiện lập trường không vội vã trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Sự cứng rắn này của Fed có thể mở đường cho một cuộc xung đột mới với ông Trump - người mà trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã không tiếc lời chỉ trích Fed khi Ngân hàng Trung ương này không nghe theo lời kêu gọi cắt giảm lãi suất của ông. Sau 3 đợt giảm lãi suất vào năm 2024, với mức giảm tròn 1 điểm phần trăm, Fed hiện đang duy trì lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,25-4,5%.
Ông Goolsbee dự báo lãi suất Fed cuối cùng sẽ giảm về mức “thấp hơn một chút so với hiện tại”, nhưng việc giảm thêm lãi suất đòi hỏi phải có “sự tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta đang trên đà đạt tới mục tiêu lạm phát 2%”.
Theo ông Goolsbee, ít nhất trong dài hạn hơn, hộ gia đình và doanh nghiệp trong nền kinh tế Mỹ có vẻ không để mất đi niềm tin rằng lạm phát rồi sẽ tiếp tục giảm, kỳ vọng như vậy mang lại cho ông “một chút thoải mái”, vì “mọi người không xem đây là một sự dịch chuyển vĩnh viễn của lạm phát hay một tín hiệu của một nền kinh tế quá nóng kéo dài”.
Dù vậy, ông Goolsbee bày tỏ lo ngại rằng các chính sách của ông Trump sẽ khiến cho công việc của Fed sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc đánh giá các số liệu kinh tế sắp tới. Chẳng hạn, nếu áp lực giá cả bị chi phối bởi cú sốc nguồn cung liên quan tới chính sách thuế quan thay vì do sự gia tăng của nhu cầu, phản ứng chính sách của Fed có thể sẽ khác.
Ra điều trần tại Quốc hội Mỹ vào tuần vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đề cập đến số liệu lạm phát mới nhất và ông cho rằng “chúng ta đang đến gần, nhưng chưa thực sự đạt được mục tiêu lạm phát”. Ông khẳng định đã có “tiến bộ lớn” trong cuộc chiến kéo lạm phát xuống, nhưng “chúng ta chưa thực sự đến nơi, nên chúng tôi muốn giữ chính sách thắt chặt”.
Trong hai ngày điều trần, thông điệp chính của ông Powell gửi tới các nghị sỹ là Fed không vội hạ lãi suất. Ông cũng khẳng định quyền tự chủ của Fed trong hoạch định chính sách tiền tệ, ngầm bác bỏ áp lực chính trị từ ông Trump đối với Fed. “Chúng tôi sẽ đưa ra chính sách tốt hơn, chúng tôi sẽ giữ lạm phát ở mức thấp hơn, nếu chúng tôi chỉ tập trung thực hiện công việc của mình và tránh xa chính trị, tránh xa các cuộc bầu cử và không cố gắng ủng hộ hay làm tổn thương bất kỳ đảng chính trị nào hoặc bất kỳ bộ lọc chính trị nào, thay vào đó chỉ cố gắng tập trung vào các dữ liệu kinh tế. Nếu chúng tôi bắt đầu dựng lên những bộ lọc chính trị, chúng tôi sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong công việc vốn đã khá khó khăn của mình”, ông Powell cho biết.
Giới chức Fed trong những tuần gần đây đều cho rằng chừng nào thị trường lao động còn vững vàng, Fed cần có thêm bước tiến rõ rệt của tiến trình giảm lạm phát mới có thể hạ lãi suất thêm lần nữa.