10:44 21/03/2011

Petro Vietnam cấp vốn điều lệ cho PVEP là “chưa hợp lý”

Nguyên Thảo

Xung quanh phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước năm 2011 đầu tư trở lại cho Petro Vietnam

Để có thể đánh giá chính xác và toàn diện hiệu quả sử dụng tiền lãi dầu, khí để lại cho Petro Vietnam, cần có thêm thời gian.
Để có thể đánh giá chính xác và toàn diện hiệu quả sử dụng tiền lãi dầu, khí để lại cho Petro Vietnam, cần có thêm thời gian.
Cả Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều cho rằng, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) dùng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà để lại hàng năm để cấp vốn điều lệ cho Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) là không phù hợp và chưa thật hợp lý.

Mặc dù, theo lý giải của Petro Vietnam,  việc làm này thực hiện đúng tinh thần đầu tư để phát triển ngành công nghiệp dầu khí và kinh doanh dầu khí.

Đây là một phần câu chuyện về tình hình quản lý, đầu tư của Petro Vietnam trong việc sử dụng số tiền để lại đầu tư từ 2006 - 2010, được thể hiện tại báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, đa số đại biểu đã thể hiện sự không đồng tình đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng từ ngân sách cho Petro Vietnam trong kế hoạch phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011.

Bên cạnh cơ sở pháp lý, nguyên nhân khiến nhiều đại biểu không yên tâm chính là, năm nào cũng bố trí chi đầu tư trở lại cho Petro Vietnam với số tiền rất lớn, nhưng việc chi như thế nào, hiệu quả ra sao thì không có báo cáo Quốc hội.

Tại bản báo cáo này, Chính phủ cho rằng, để có thể đánh  giá chính xác và toàn diện hiệu quả sử dụng tiền lãi dầu, khí để lại cho Petro Vietnam, cần có thêm thời gian. “Tuy nhiên, có thể thấy rằng các dự án sử dụng nguồn ngân sách này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực”, báo cáo nhìn nhận.

Chính phủ cũng khẳng định, tổng số lãi dầu, khí nước chủ nhà để lại cho Petro Vietnam đã được Bộ Tài chính ghi thu ghi chi từ 2006 - 2010 là 34.515,5 tỷ đồng. Và Petro Vietnam đã sử dụng đúng mục đích, phục vụ lĩnh vực kinh doanh chính, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Petro Vietnam cũng đã quyết định đầu tư 3.500 tỷ đồng được đầu tư trở lại từ ngân sách năm 2011 vào dự án phát triển lô 05.2 & 05.3 ( Công ty Dầu khí Biển Đông), là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí.

Đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án này, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, việc đầu tư của Petro Vietnam còn có một số vấn đề cần được lưu ý.

Như, số vốn đầu tư trở lại cho Petro Vietnam trong một số năm đang vượt dự toán chi theo nghị quyết của Quốc hội (năm 2006 vượt 4.825 tỷ đồng, 2007 vượt 1.156 tỷ đồng và 2008 vượt 408 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng nguồn đầu tư trở lại là để đầu tư các dự án trọng điểm nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Tập đoàn dùng số tiền này cấp vốn điều lệ cho PVEP 11.847 tỷ đồng là chưa thật hợp lý, cần được giải trình cụ thể hơn.

Bởi, theo quy định, vốn điều lệ sử dụng để đầu tư vào tài sản cố định tài sản lưu động phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp, kể cả đầu tư xây dựng trụ sở làm việc…

Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc cấp vốn này là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tại cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng, cần làm rõ việc hạch toán sai việc đầu tư mua sắm tài sản thành chi phí sản xuất. Vì việc làm này đã phản ánh không đúng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước.

Một số ý kiến cũng đề nghị không đầu tư trở lại cho Petro Vietnam theo cơ chế hiện nay, mà nên coi khoản chia lãi cho nước chủ nhà là nguồn thu của ngân sách và sẽ đầu tư cho các dự án trọng điểm của ngành dầu khí theo cơ chế đầu tư như đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên tăng thêm số tiền đầu tư trở lại cho Petro Vietnam năm 2011 để tạo điều kiện cho tập đoàn hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Theo chương trình kỳ họp, phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Petro Vietnam sẽ được thảo luận kết hợp với nội dung về kinh tế xã hội tại hội trường vào cuối tuần này.