18:03 30/08/2023

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Chuyển đổi số sẽ giúp phát triển năng lực học tập

Phương Thảo -
Công nghệ giáo dục cung cấp giải pháp cho nhiều thách thức trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, để tận dụng các công nghệ giáo dục, giáo viên và nhà quản lý giáo dục cần được đào tạo và hỗ trợ...

Ngành giáo dục tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới hậu Covid-19 nhờ vào sự thúc đẩy của công nghệ. Nhờ vào việc hình thành thói quen học online của thị trường giáo dục sau Covid-19, tốc độ phát triển của các đơn vị Edtech tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Tuy nhiên, mặc dù hình thức dạy học đã được chuyển đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc hình thức kết hợp, nhưng lại chưa có sự chuyển hóa cho phù hợp về nội dung dạy học, chưa có một phần mềm để hỗ trợ dạy học, quản lý nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá. Điều này khiến việc dạy học trực tuyến chỉ đơn thuần là việc "dịch chuyển" từ không gian trực tiếp sang không gian lớp học ảo, mà chưa phát huy được hết sức mạnh của công nghệ trong giáo dục.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT), nguyên nhân nằm ở chỗ sự kết hợp của công nghệ và giáo dục chưa thật sự "nhuyễn". Một số công nghệ giáo dục chủ yếu thiên về công nghệ mới mà chưa thực sự gắn chặt với việc dạy và học thực tế.

Đồng thời, trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng đến giáo dục, mặc dù hình thức dạy học đã được chuyển đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc hình thức kết hợp, nhưng lại chưa có sự chuyển hóa cho phù hợp về nội dung dạy học, chưa có một phần mềm để hỗ trợ dạy học, quản lý nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá.

Điều này khiến việc dạy học trực tuyến chỉ đơn thuần là việc "dịch chuyển" từ không gian trực tiếp sang không gian lớp học ảo, mà chưa phát huy được hết sức mạnh của công nghệ trong giáo dục. Từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2022, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Chu Cẩm Thơ có những cuộc khảo sát với các giáo viên và quản lý ở 49 trường tại Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa để tìm hiểu về hiện trạng cơ sở vật chất, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, có thể đáp ứng ra sao cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết quả khảo sát cho thấy 100% các trường khảo sát đều được trang bị mạng Internet, có nhân sự kiêm nhiệm phụ trách công nghệ thông tin, có sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nhóm nhận thấy hầu hết là phần mềm miễn phí, chủ yếu liên quan đến việc giao bài tập về nhà. Các phần mềm không có kho học liệu để đồng bộ các hoạt động tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, ngữ liệu dạy học để sử dụng các phần mềm này là do giáo viên tự chuẩn bị và đưa lên, chưa có khâu kiểm soát từ phía nhà trường...

Các trường đều đang trong trạng thái chưa có hoặc đang trong quá trình xây dựng kho học liệu dùng chung. Việc tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các phần mềm cụ thể, chưa chú trọng đến trang bị kỹ năng, phương pháp để chuyển đổi số… "Có thể thấy rằng chúng ta đã có đường hướng, yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, nhưng chúng ta mới chỉ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào những công việc cụ thể, thiếu tính hệ thống", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

Trên thực tế, dạy học kết hợp sẽ được thay thế dạy học truyền thống khi tiến hành chuyển đổi số. Ở đó, giáo viên sẽ sử dụng hệ thống công nghệ, dữ liệu để tiến hành việc dạy, chương trình học tập sát đối tượng và công nghệ cũng là một thầy giáo ảo. Người học được học tập với môi trường mở. Khi học tập trực tiếp, giáo viên và học sinh dành ưu tiên cho thảo luận, hợp tác, tư duy bậc cao. Học liệu học tập cũng chuyển sang dữ liệu số hơn là sách vở truyền thống như hiện nay.

“Trên không gian số đó, người học, người dạy có thể dễ dàng tìm kiếm các chương trình học tập, nội dung hấp dẫn, cạnh tranh với việc học truyền thống. Thế giới ảo vừa là môi trường tuyệt vời, công nghệ là người bạn, đồng nghiệp hữu ích cho giáo viên, nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy thử thách với mỗi cá nhân để có được sự an toàn, hữu ích thực sự. Hơn nữa, xu thế phát triển của xã hội đòi hỏi con người phát triển cho mình những kỹ năng quan trọng như tự học, quản lý bản thân, giao tiếp, hợp tác, thích nghi với cuộc sống. Những điều nêu trên cho thấy tất yếu mỗi người giáo viên phải thay đổi chính mình,” TS. Chu Cẩm Thơ nhận định.

Bàn về thay đổi mạnh mẽ mô hình dạy và học, những nghiên cứu giáo dục từ rất lâu đã chỉ ra rằng, giáo dục chỉ đạt hiệu quả khi thực sự khai phá tiềm năng mỗi người bằng phân hóa, cá nhân hóa và giúp họ thích nghi tốt với xã hội. Với mô hình dạy học truyền thống ở các nhà trường rất khó để thực hiện được việc dạy học phân hóa, chưa nói đến cá nhân hóa.

Mặt khác, người học có nhu cầu học tập rất cao, đặc biệt trong thế giới biến động như ngày nay. Họ mong muốn được thoải mái trong không gian, thời gian học tập. Ở phương diện phát triển năng lực con người, giờ đây công nghệ thích ứng đã giúp chúng ta lưu vết quá trình học tập, dự báo được xu hướng và dẫn dắt người học để họ thích ứng tốt với mục tiêu giáo dục đồng thời tự điều chỉnh nhu cầu học tập.

Do vậy, chuyển đổi số sẽ tạo ra môi trường và trực tiếp phát triển năng lực học tập của người học. PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng hiện tại các nghiên cứu đưa công nghệ vào giáo dục ở Việt Nam đang bùng nổ, với sự đồng hành của các doanh nghiệp Edtech, hai yếu tố "công nghệ" và "giáo dục" hứa hẹn có thể phối hợp với nhau "nhuyễn" hơn thông qua các ứng dụng thực tế trong tương lai.

 

Vào lúc 9h00 ngày 31/8 tới đây, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức buổi tọa đàm “Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập” để tìm kiếm giải pháp từ những chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp. Tọa đàm sẽ diễn ra theo hình thức livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy. Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!

Video xem nhiều