11:00 22/11/2023

Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chương Phượng

Việt Nam hiện có 200 nghìn ha rừng ngập mặn. Trong thời gian qua, Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực trồng và phục hồi hơn 4 nghìn ha rừng ngập mặn, sắp sẽ có thêm một dự án do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1 nghìn ha rừng ngập mặn nữa…

Rừng ngập mặn bảo vệ đất đai, chống xói lở bờ biển.
Rừng ngập mặn bảo vệ đất đai, chống xói lở bờ biển.

Ngày 21/11/2023, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

NỖ LỰC BẢO VỆ RỪNG NGẬP MẶN

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UBNDP), mặc dù rừng ngập mặn chỉ chiếm 0,7% diện tích rừng toàn cầu, song có thể lưu trữ 20 tỷ tấn các bon, tương đương khoảng 2,5 lần lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của chúng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ/củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000 ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới.

Do Việt Nam có khoảng 3260 km đường bờ biển, chạy dọc theo 28 tỉnh và thành phố từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Càu Mau. Chạy dọc theo đường bờ biển ấy, có một số khu rừng ngập mặn lớn như: rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), rừng ngập mặn Rú Chà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh ở Tam Giang (tỉnh Quảng Nam, rừng ngập mặn ở Cà Mau. Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha, được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: "Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn".
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: "Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn".

Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trong do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách khá phổ biến. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng. Đồng thời, nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam, kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ và trồng rừng ngập mặn.

“Sau hội thảo này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp trình Chính phủ phê duyệt và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị thông tin.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn, đồng thời nêu bật về các dự án hợp tác triển khai cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm cả hoạt động trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn và một dự án sắp tới do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000 ha nữa.

Bà Ramla Khalidi cũng đề cập đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của UNDP, do Chính phủ Anh hỗ trợ, để tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế năng của thị trường carbon với tính toàn vẹn cao khi thực hiện Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris trong tương lai.

NHIỀU KINH NGHIỆM QUỐC TẾ ĐƯỢC CHIA SẺ

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những bài tham luận, trình bày chuyên sâu. Ông Alex White, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, Vương Quốc Anh, cho biết Vương quốc Anh nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và phát triển bền vững, cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh.

“Sự hợp tác của chúng tôi với UNDP về Rừng, Sử dụng Đất, và Thiên nhiên tập trung vào việc tìm hiểu lợi ích của các hệ sinh thái rừng quan trọng này và chúng tôi rất vui khi được chứng kiến những hoạt động chung của Vương quốc Anh và UNDP tại Việt Nam”, ông Alex White nói.

Trình bày về vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong việc lưu giữ và giảm phát thải carbon, Chiến lược phát triển lâm nghiệp, và các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho các mục tiêu khí hậu, ông Vũ Tấn Phương, cán bộ Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) cho biết toàn cảnh về kế hoạch phát triển thị trường carbon, trong đó tập trung xây dựng khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho giao dịch carbon, nhằm thu hút khu vực tư nhân phát triển kinh tế phát thải ít carbon, và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Các chuyên gia từ Sri Lanka và Indonesia cũng chia sẻ kinh nghiệm chi tiết về các sáng kiến phục hồi rừng ngập mặn ở quốc gia họ, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo tồn các hệ sinh thái tối quan trọng này trước những thách thức khí hậu toàn cầu.

Bà Maitreyee Mukherjee, chuyên gia từ Singapore, đã phân tích thị trường carbon, thuế carbon và Hệ thống thương mại phát thải (ETS) cũng như vai trò tiềm năng của chúng trong quản lý rừng bền vững. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong chiến lược môi trường toàn cầu.

"Singapore là quốc gia ASEAN đầu tiên triển khai thuế carbon lũy tiến vào năm 2019, bao quát 80% lượng phát thải carbon toàn quốc và đưa ra tín hiệu về giá cho toàn nền kinh tế", bà Maitreyee Mukherjee thông tin.

Hội thảo nhấn mạnh vai trò của rừng ngập mặn như nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng địa phương, và là thành phần quan trọng của hệ sinh thái “carbon xanh”, nhờ đó rừng ngập mặn trở thành một tài sản quý giá đối với tài chính carbon bền vững và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hội thảo cũng tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển học hỏi các thực hành tốt và chia sẻ bài học, kinh nghiệm liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, đưa rừng ngập mặn vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và khai thác tiềm năng carbon xanh của rừng ngập mặn trong việc cấp tài chính cho các nỗ lực bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn.

Các đại biểu tại hội thảo đã nhất trí rằng cần có hành động toàn cầu và địa phương để bảo vệ rừng ngập mặn. Nhận thức được vai trò không thể thiếu của rừng ngập mặn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ kinh tế địa phương, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành, tài chính bền vững, và lồng ghép bảo tồn rừng ngập mặn vào các chính sách khí hậu của quốc gia và quốc tế.