Phát triển bền vững: “Kháng thể” của doanh nghiệp trước đại dịch
Vượt lên trên thách thức, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh.
Tại toạ đàm trực tuyến “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, cho biết qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp đang dần kiệt sức và “cạn” tiền, khủng hoảng nhân sự.
Việc thực hiện mục tiêu kép đang là thách thức với đa phần các doanh nghiệp, nhưng với những doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững có sức chống chịu tốt hơn hẳn.
CHỐNG DỊCH NHƯNG SẢN XUẤT KHÔNG GIÁN ĐOẠN
Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam có hơn 30 nhà máy nằm rải rác ở các tỉnh, thành trên cả nước, với gần 4.000 trang trại kết hợp với nông dân, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không gián đoạntrước bối cảnh dịch bệnh, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết công ty đưa 3 mục tiêu: tuân thủ phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương; bảo vệ an toàn cho cán bộ nhân viên và gia đình người lao động; hoạt động liên tục các khâu trong chuỗi cung ứng.
Việc chăm lo đảm bảo sức khoẻ cho người lao động là yếu tố tiên quyết nên công ty cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt thể thao, trò chơi, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy.
Tính đến thời điểm này gần 10 nghìn công nhân đang thực hiện 3T tại 21 nhà máy và hàng nghìn công nhân đến từ các nhà thầu tham gia hoạt động của nhà máy. Ở các trang trại, việc phòng chống dịch cũng đảm bảo chặt chẽ.
Ngoài 3T, công ty chia tổ, chia nhóm, chia ca, chia chỗ ăn ở. “Vì con gà, con lợn không thể một ngày không có người chăm sóc nên công ty đưa ra các tình huống nếu có F1, F0 thì có tổ khác, nhóm khác thay thế”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, công ty đang phải dành ra 30% số lao động bên ngoài có thể vào thay thế lao động đang thực hiện 3T nếu trong trường hợp gia đình họ có công việc.
Trong nhà máy cũng phải chia tổ, chia nhóm, chia chỗ ăn ở phòng trường hợp nếu có F1 hay F0 ở tổ này đưa đi giãn cách thì có tổ khác sẵn sàng thay thế, giúp hoạt động của doanh nghiệp được liên tục.
“Đến thời điểm này mọi nhà máy thực hiện 3T vẫn đang an toàn, đang sản xuất bình thường. Nhiều nhà máy của CP đã được chính quyền địa phương cấp chứng nhận vùng xanh cho doanh nghiệp”, ông Tuấn tự tin.
Thay đổi phương thức bán hàng, giữ vững tinh thần nhân viên, duy trì lực lượng lao động là những điểm sáng của AEON Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền Thông & Đối Ngoại Công ty TNHH AEON Việt Nam chia sẻ, là ngành dịch vụ nên việc mở cửa, đón khách là nhiệm vụ của Aeon trong mùa dịch. Để phát triển bền vững, Aeon đã thay đổi phương thức bán hàng.
Covid cũng là cú hích buộc doanh nghiệp chuyển mình nhanh hơn. Do nhiều nơi người dân chưa tiếp cận được với công nghệ đặt hàng online nên Aeon đã tổ chức những chuyến xe đến các địa phương hỗ trợ người tiêu dùng. Kết hợp với các đối tác như các đơn vị cung cấp dịch vụ shipper nhằm đa dạng các kênh bán hàng…
Nestlé hiện đang có hơn 1.200 cán bộ, công nhân tại 4 trong 6 nhà máy đang thực hiện theo nguyên tắc 3T trong hơn 2 tháng nay. Nhưng điều này không làm công ty này nản lòng, Nestlé cho biết tiếp tục mở rộng đầu tư và sản xuất tại Việt Nam.
Trong 2 năm tới Nestlé tiếp tục đầu tư hơn 130 triệu USD vào Việt Nam, đưa tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên con số 730 triệu USD. Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết dù đại dịch nhưng Nestlé vẫn hoạt động ổn định, có tăng trưởng và hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Nestlé áp dụng quy tắc an toàn dịch bệnh cao hơn các quy định và chính sách hiện hành. Tổ chức các hoạt động gắn kết để động viên tinh thần nhân viên và công nhân. Với nhân viên làm việc tại nhà, công ty hỗ trợ nhân viên các thiết bị làm việc đồng thời hỗ trợ chăm sóc y tế cho nhân viên và gia đình nhân viên…
“Không bao giờ thỏa hiệp với vấn đề an toàn” chính là nguyên tắc của Nestlé Việt Nam. Với quy trình giao hàng không tiếp xúc nên đã đảm bảo 100% đơn hàng xuất khẩu được giao và giao hàng trực tiếp tới cửa hàng mà không qua kho trung chuyển dù phải đối mặt với những thách thức thiếu kho, thiếu hụt lái xe mà nhiều doanh nghiệp phía Nam đang gặp phải.
XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ SẢN XUẤT AN TOÀN SỐNG CHUNG VỚI DỊCH BỆNH
Để doanh nghiệp vượt qua thách thức từ dịch bệnh và duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, ông Binu Jacob khuyến nghị, cần ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ cho tất cả các công nhân sản xuất, nhà thầu làm việc tại nhà máy sản xuất đồ uống và các thực phẩm thiết yếu.
Đồng thời, cần để doanh nghiệp có quyền tự quyết lựa chọn những mô hình phòng chống dịch và mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp dựa trên những hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cũng không cần phải đóng cửa các nhà máy nếu như các trường hợp F0, F1 được xử lý và các nhà máy được khử trùng.
Để đáp ứng một lúc cả 4 nội dung “xanh” thì không phải nguồn lực nhà máy nào cũng đáp ứng được. Đây chỉ là mẫu số chung, căn cứ trên nguồn lực của doanh nghiệp để lựa chọn phương án phù hợp, mục tiêu cuối cùng là sản xuất an toàn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam.
Đặc biệt, đại diện Nestlé Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương các cấp cần nhất quán trong việc ban hành và triển khai các quy định. Mặt khác, tránh tình trạng giấy phép con và cần đơn giản hóa các thủ tục để không làm phát sinh chi phí, thời gian của doanh nghiệp. Số hóa các thủ tục hành chính công thay vì dùng bản cứng như hiện tại nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho người người dân và doanh nghiệp.
Là ngành sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng da giày toàn cầu nhưng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid -19, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam, cần thiết phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong đó xây dựng bộ tiêu chí với vấn đề sản xuất an toàn sống chung với dịch bệnh.
Cụ thể là các phương án sản xuất xanh tập trung chính vào 4 nội dung: nhân lực xanh, nhà máy xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh.
Xây dựng nhà máy xanh trong đó có y tế tại chỗ. Cần tập trung nâng cao năng lực, nhân lực về y tế cho chính các doanh nghiệp để họ chủ động trong ứng phó.Vì hiện nay, có bất kỳ tình huống nào xảy ra, doanh nghiệp đều bị động chờ y tế cơ sở, hay chính quyền địa phương đến hỗ trợ, gây bất cập trong quá trình thực hiện.
Cung đường xanh, nơi ở xanh cũng là thách thức lớn với ngành da giày khi lực lượng lao động đông. Thách thức lớn nữa khi mở cửa lại sản xuất,đó là hiện nguồn lao động đang tản mát ở các địa phương, phương án nào hiệu quả để đưa lao động quay trở lại nhà máy an toàn mới là quan trọng.
“Phát triển bền vững của doanh nghiệp phải gắn với sản xuất an toàn trong bối cảnh sống chung với đại dịch.Do đó,cần nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp trong ứng phó với đại dịch để duy trì sản xuất an toàn”, bà Xuân khẳng định.