09:06 11/08/2024

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hạ Chi

Mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G, bảo đảm 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s...

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng.
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phê duyệt, chính thức có hiệu lực từ ngày 7/8, đã đặt ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025 và năm 2030.

Kế hoạch được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch, bao gồm các nội dung chính: Dự án đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất; chính sách, giải pháp về thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch và về phát triển, sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Theo đó, đối với dự án đầu tư công, trước hết ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông do các bộ, ngành, địa phương chủ trì phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

Giai đoạn 2021 - 2025, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề xuất thêm các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Giai đoạn 2026 - 2030, triển khai, đưa vào các dự án đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển, định hướng tại Quyết định số 36/QĐ-TTg.

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng hạ tầng thông tin và truyền thông sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg, đồng thời thu hút các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông phù hợp với mục tiêu, định hướng tại Quyết định số 36/QĐ-TTg.

Đối với kế hoạch sử dụng đất, khuyến khích gắn kết các công trình hạ tầng thông tin và truyền thông với các công trình phát triển công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo hướng hình thành hệ sinh thái để nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Với chính sách giải pháp, thực hiện theo quy định pháp luật về quy định đồng thời triển khai các giải pháp để phát triển và sử dụng nguồn lực phục vụ quy hoạch.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

Theo đó, đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị thực hiện đạt một số chỉ tiêu. Cụ thể, về mạng bưu chính, tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày

Về hạ tầng số, mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; bảo đảm 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh;...

Đối với hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, đạt vượt các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, Quyết định số 942/QĐ-TTg, Quyết định số 411/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.

Về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin; 100% người sử dụng Internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản.

Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 01 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ an toàn thông tin mạng, mỗi người dân có tối thiểu 01 công cụ bảo vệ an toàn thông tin mạng;...

Đến năm 2030, năng lực khai thác bình quân của Trung tâm Bưu chính khu vực đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày và các Trung tâm Bưu chính vùng đạt trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày; Hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s.

Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.