Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giải trình, làm rõ loạt vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham gia làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...
Trong hai ngày qua, đã có ba Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp trả lời chất vấn, hai Phó Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn bổ sung tại hội trường.
Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản và các đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu mở đầu phần trả lời chất vấn, về công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, tiến độ lập quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu, do tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
“Chính phủ cơ bản thống nhất về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật thì công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn cần giảm bớt một số thủ tục sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh; điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch mà chưa lựa chọn được nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2230…”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm làm chậm tiến độ giải ngân.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra tiến độ rà soát, tháo gỡ vướng mắc còn chậm, còn xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Tại phiên chất vấn, trả lời tranh luận của đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) về vấn đề có hay không chuyện lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ…”, ông cho biết.
Theo ông, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp như minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ.
Về các câu hỏi liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA, ông cho biết, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận.
“Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này của chúng ta đang được đánh giá là hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…
Ông cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, đây là chương trình có vai trò quan trọng, tiếp nối Chương trình xóa đói giảm nghèo của giai đoạn trước. Chính phủ đã ban hành các văn bản để giúp cho quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hơp với Luật Đầu tư công.
“Thời gian tới, Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để là căn cứ để các địa phương triển khai, địa phương chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để giải ngân nguồn vốn này, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thưc hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông nêu rõ.
Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khiến đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) băn khoăn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, vấn đề này còn tồn tại, hạn chế do thực hiện chưa theo đúng kế hoạch, các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nhiều quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ công khai minh bạch hơn, quy trình thực hiện dài hơn, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong quản lý đất đai, tài sản công cần được kiểm soóa, việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề này còn chưa tốt.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này.