Phối hợp với các đơn vị bán tên miền để xử lý vi phạm bán hàng online
Giao dịch mua bán hàng thông qua các nền tảng mạng đang ngày càng sôi động nhưng lại đang tiềm ẩn nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh, việc xử lý vi phạm của lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn…
Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết theo báo cáo từ Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Trong 6 tháng năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản.
Hơn nữa, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
Đặc biệt, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh. Thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an.
Thậm chí, một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Nhưng ngược lại, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán online, ý thức tố giác tội phạm còn e dè… chính điều này lại vô tình tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Linh cho biết trong thời gian tới, để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử, Tổng cục quản lý thị trường kiến nghị, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan như công an... trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trọng tâm là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Liên quan đến công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, thời gian tới Tổng cục quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý thị trường về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.
Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Tổng cục quản lý thị trường cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.