Phòng vệ chủ động để xuất khẩu bền vững
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực thi đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Song để hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, đòi hỏi cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải theo sát diễn biến thị trường, coi trọng cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại...
Phòng vệ thương mại là biện pháp được WTO cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, khi đã tham gia vào thương mại quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định khả năng sẽ gặp phải vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Điều quan trọng là cách thức xử lý, ứng phó của doanh nghiệp khi gặp phải các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI “GIĂNG DÀY”
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 22 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu…
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.
Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây.
Việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/03/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Mục tiêu chung của Đề án là nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại WTO, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 10 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung, hiện nay định kỳ hàng quý, Cục đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Cục cung cấp, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài; hợp tác với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi mạo nhận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp.
SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI CÁC RÀO CẢN
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng; đệm mút; lốp xe ôtô; ống đồng; mật ong; thép chống ăn mòn; gạch men.
Bộ cũng đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá.
Mặc dù các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp mới được triển khai nhưng cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Chẳng hạn như trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức 110% do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc.
Hay như trong vụ việc Đài Loan điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch men, dự kiến đa số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang Đài Loan) không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức độ thấp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, cảnh báo sớm là một trong những kênh thông tin giúp doanh nghiệp nhận biết nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu của mình.
Các doanh nghiệp cũng có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý nhằm tránh ảnh hưởng, rủi ro trong hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp cần coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.
Để phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về phòng vệ thương mại.
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều đã có kiến thức về vấn đề này, song đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn bị động, lúng túng nên cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin cho họ.
Với doanh nghiệp, cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát và thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật, và hiện nay là cả rào cản về môi trường, sở hữu trí tuệ để áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu.