15:01 30/05/2012

“Quan chức cần được ưu tiên giáo dục pháp luật”

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần giáo dục pháp luật cho cả quan chức và công chức mới công bằng

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần giáo dục pháp luật cho cả quan chức và công chức mới công bằng.
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần giáo dục pháp luật cho cả quan chức và công chức mới công bằng.
“Quan chức ở các cương vị chủ chốt trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, cần được bổ sung vào đối tượng đặc thù được ưu tiên trong phổ biến giáo dục pháp luật”.

Cuối phiên thảo luận chiều 29/5 của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, quan điểm nói trên của đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) khiến một số vị đại biểu không nén được cười.

Đối tượng đặc thù được ưu tiên trong phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong ba nội dung được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận.

Theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết.

Quy định về đối tượng này ở dự thảo luật khá rộng, từ người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân đến người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình...

Dù có ý kiến đề nghị, song đối tượng là “cán bộ, công chức và viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân” không được bổ sung tại dự thảo luật mới nhất.

“Cán bộ công chức, viên chức là một bộ phận công dân ưu tú, là người được tuyển chọn nằm trong bộ máy công quyền có trình độ, có bằng cấp, có năng lực sao lại đưa ngang hàng với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn?”, một vị đại biểu phân tích.

“Người ta nói rằng suy nghĩ của con người như thế nào thì thường dẫn dắt hành vi con người như thế, nhưng đọc dự thảo luật này thì tôi thấy chỉ tuyên truyền giáo dục các đối tượng đặc thù cho người dân, cho người yếu thế, những người lao động, những người khuyết tật, những người bị giam giữ thì như thế đã công bằng hay chưa?”, đại biểu Đương đặt câu hỏi ngay khi được mời phát biểu.

Theo ông, có những đối tượng cần phải được giáo dục, đó là các quan chức ở các cương vị chủ chốt mà trong các lĩnh vực nhạy cảm thường để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, rồi than, tài nguyên khoáng sản, sử dụng vốn Nhà nước...

“Có một địa phương ở một nước láng giềng, người ta mở lớp học tập về tác hại về tham nhũng và sau buổi học đó thì rất nhiều quan chức đem nộp tài sản do tham nhũng mà có, như thế hết sức hiệu quả”, ông Đương bổ sung cho đề nghị của mình.

Phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương ngay lập tức khiến người viết bài đi tìm những con số có liên quan tại báo cáo mới nhất về phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

Báo cáo cho biết, trong 5 năm qua, đã có hơn 26 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; 425 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng chống tham nhũng được tổ chức và trên 2 triệu cuốn sách, tài liệu về phòng chống tham nhũng được phát hành.

Đại đa số cán bộ, công chức có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, không tham nhũng, không tiêu cực, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.

Nhưng, cũng theo báo cáo, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.