10:33 14/06/2007

Quản lý sở hữu trí tuệ: Tiến tới nộp đơn trực tuyến

Phan Anh

Bắt đầu từ 1/6/2007, tất cả các đối tượng nộp đơn sở hữu công nghiệp sẽ có thể sử dụng cả đơn giấy lẫn đơn điện tử

Giao diện trang chủ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Giao diện trang chủ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bắt đầu từ 1/6/2007, tất cả các đối tượng nộp đơn sở hữu công nghiệp sẽ có thể sử dụng cả đơn giấy lẫn đơn điện tử.

Đây là lần đầu tiên Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch sở hữu trí tuệ bằng điện tử phi trực tuyến và có thể sẽ chính thức ứng dụng nộp đơn điện tử trực tuyến vào cuối năm 2008.

Thử nghiệm nộp đơn điện tử phi trực tuyến để dần tiến tới nộp đơn điện tử trực tuyến đang được coi là bước đi hiện đại hoá thủ tục, công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi hệ thống quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử Việt Nam hoàn thiện.

Hiện đại hoá quản lý sở hữu trí tuệ bằng điện tử

Từ năm 2000 đến 2004, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, dự án “Hiện đại hoá quản trị sở hữu công nghiệp” (MOIPA) đã được triển khai phát triển hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả của việc quản lý và xử lý đơn, cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ nhanh chóng, chính xác ở Việt Nam.

Tiếp theo chương trình này, với khoản hỗ trợ hơn 5 triệu USD, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã hỗ trợ Dự án Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ (UTIPINFO) đến tháng 3/2009 nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Thông qua Dự án UTIPINFO, 3 hệ thống tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ, thư viện điện tử sở hữu trí tuệ (IPDL) và hệ thống nộp đơn điện tử đã được đưa vào sử dụng. Đơn điện tử được coi là một hình thức giao dịch, quản lý hiện đại đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nó sẽ đáp ứng được nhu cầu tự động hoá công việc của cơ quan nhà nước, giảm thiểu thủ công.

Với số lượng khổng lồ các loại đơn sở hữu công nghiệp hàng năm nộp về Cục Sở hữu trí tuệ, việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn theo hình thức văn bản giấy không hề đơn giản và sẽ nảy sinh hạn chế. Chính vì vậy, việc nộp đơn điện tử sẽ tránh trùng lặp trong công việc, tăng độ chính xác của dữ liệu, giúp cho việc thẩm định và công bố thông tin của Cục chính xác hơn, tăng chất lượng của các dịch vụ cung cấp thông tin tra cứu, thư viện điện tử, đồng thời giảm thiểu sửa chữa đơn và rút ngắn thời gian xử lý đơn.

Với hệ thống điện tử, người nộp đơn vào website của Cục Sở hữu trí tuệ: www.noip.gov.vn để tải và cài đặt phần mềm làm đơn điện tử miễn phí. Đơn điện tử và đơn giấy sẽ cùng được nộp về phòng đăng ký của Cục Sở hữu trí tuệ và xử lý số liệu bằng hệ thống nhận đơn điện tử.

Như vậy, trong công tác quản lý, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ giảm bớt kho lưu trữ dữ liệu và sử dụng những dự liệu có sẵn để phục vụ quá trình xử lý đơn từ khi nộp đơn đến khi cấp bằng và cả khi phải sửa đổi. Trên cơ sở đó sẽ cung cấp thông tin cho công chúng một cách nhanh chóng, cập nhật, chính xác, đồng thời trao đổi thông tin sở hữu trí tuệ với các nước trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Dự án UTIPINFO, thông qua hệ thống này, Cục đã tiếp nhận được công nghệ thông tin về sở hữu trí tuệ tiên tiến, rút ngắn khoảng cách công nghệ Việt Nam so với các nước trên thế giới. Khi công nghệ hiện đại sẽ thúc đẩy đội ngũ nhân lực làm việc cũng phải hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn.

Mặt khác, do đây là một hệ thống đăng ký điện tử đặc thù, mỗi quốc gia chỉ có một cơ quan nên Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có những quy định pháp lý ràng buộc vấn đề này để việc giao dịch bằng phương tiện điện tử diễn ra theo đúng quy trình.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý giao dịch điện tử

Theo ông Phạm Phi Anh - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, việc hoàn thiện văn bản pháp lý giao dịch điện tử là rất cần thiết và quan trọng trong quá trình triển khai áp dụng hệ thống nộp đơn điện tử trực tuyến. Nhưng với những đặc thù riêng nên trong các quy định của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ rành mạnh, rõ ràng để việc giao dịch được thuận tiện. Hệ thống giao dịch điện tử về sở hữu trí tuệ sẽ phải đồng hành cùng với các quy định pháp lý của Việt Nam. Mọi hoạt động sẽ tiến theo nhịp điệu sửa đổi văn bản pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử. Những quy định nào tồn tại hạn chế hoặc trái với quy định chung của Nhà nước thì Cục sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa.

Sự phức tạp trong quản lý sở hữu công nghiệp không chỉ ở vấn đề nộp đơn, nhận đơn, xử lý đơn mà khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng phải ra tòa thì chứng cứ điện tử sẽ quan trọng và quyết định chính. Trước mắt, việc nộp đơn về Cục vẫn phải in ra một bản giấy và một bản điện tử. Chỉ đến khi nào hình thức giao dịch điện tử xử lý tất cả các vấn đề nảy sinh về mặt pháp lý trước toà và đáp ứng đầy đủ thông tin như nộp đơn giấy thì hình thức nộp đơn điện tử trực tuyến sẽ chính thức phát huy hiệu quả trong công tác quản lý về sở hữu trí tuệ.

Hoạt động nộp đơn sở hữu công nghiệp điện tử trực tuyến có thể sẽ chính thức được triển khai áp dụng vào cuối năm 2008. Từ nay đến cuối năm 2008 là quãng thời gian để Việt Nam ứng dụng thử nghiệm và rút kinh nghiệm về phương thức giao dịch sở hữu công nghiệp điện tử để tiến tới nộp đơn điện tử trực tuyến.