Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
Thực tế thị trường đã định giá các công ty niêm yết có chất lượng quản trị tốt cao hơn nhiều những công ty quản trị yếu kém
Khảo sát 100 công ty niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy kiến thức chuyên sâu về quản trị công ty còn thiếu đồng thời việc thực hiện quản trị công ty chủ yếu nhằm đối phó, tuân thủ quy định hơn là tự nguyện.
Đó là kết luận của báo cáo khảo sát vừa được công bố ngày 8/12 do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Diễn đàn Quản trị công ty Toàn cầu và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện.
Cuộc khảo sát được tiến hành với 110 câu hỏi, tập trung vào 5 nội dung chính: Quyền của cổ đông; Đối xử công bằng với cổ đông; Vai trò của cổ đông trong quản trị công ty; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm của hội đồng quản trị.
Bức tranh không đẹp
Theo bà Anne Molyneux, chuyên gia tư vấn của dự án, kết quả khảo sát cho thấy nhìn chung các công ty niêm yết đã cố gắng triển khai các yếu tố quản trị công ty tốt nhưng mới chỉ dừng ở bước sơ khai. Các chuyển biến về quản trị công ty có vẻ như được thực hiện chủ yếu thông qua tăng cường các quy định pháp luật hơn là chính từ tự thân các doanh nghiệp.
“Cần lưu ý rằng ngoài thiếu các nhận thức về quản trị công ty, việc thực hiện quản trị công ty ở Việt Nam chủ yếu nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao thực tiễn quản trị trong doanh nghiệp. Các vấn đề không được quy định như liên quan đến kiểm toán bên ngoài hay vai trò của các bên liên quan không được chú ý đúng mức và điểm số chấm cho các nội dung này là thấp”, chuyên gia này nhận xét.
Đánh giá tổng thể kết quả khảo sát, trong cả 5 nội dung thì có tới 4 nội dung có mức tuân thủ dưới 50%. Theo kinh nghiệm về thực hành quản trị công ty tốt trên thế giới, mức điểm được xem là phản ánh quản trị tốt phải trong khoảng từ 65% đến 75%. Không công ty nào trong 100 đơn vị được khảo sát đạt được mức điểm chuẩn này.
Lĩnh vực yếu nhất trong quản trị của các công ty là thực hiện các biện pháp về “trách nhiệm của hội đồng quản trị” và “Công bố thông tin và sự minh bạch”. “Điều này là minh chứng cho thấy cam kết thực sự cho quản trị công ty tốt vẫn chưa được hình thành ở Việt Nam”, đại diện nhóm nghiên cứu nhận xét.
Một thực tế trong suốt thời gian qua đã được phản ánh là sự giải trình các thông tin kiểm toán. Không ít trường hợp báo cáo soát xét bán niên hoặc báo cáo kiểm toán năm có ý kiến ngoại trừ hoặc mâu thuẫn giữa quan điểm của ban điều hành doanh nghiệp với kiểm toán. Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ do không tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo lưu ý kiến của mình bằng một văn bản giải trình riêng, thậm chí căn cứ vào các quy định hành chính khác với chuẩn mực kiểm toán.
Trong đa số trường hợp nhà đầu tư không rõ quan điểm nào mới là phù hợp cũng như không rõ phương án nào sẽ ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp nhiều hơn. Kết quả khảo sát cho thấy mặc dù cổ đông có thể đặt câu hỏi cho kiểm toán tại đại hội cổ đông nhưng kiểm toán thường là không tham dự để trình bày quan điểm của mình về vấn đề kiểm toán.
“Với câu hỏi về sự tham gia của đại diện kiểm toán tại phiên họp đại hội cổ đông là câu hỏi mà tất cả các doanh nghiệp được khảo sát đều nhận điểm số 0. Cam kết thực sự tại đại hội cổ đông về vấn đề kiểm toán viên là hết sức quan trọng”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
“Với câu hỏi về sự tham gia của đại diện kiểm toán tại phiên họp đại hội cổ đông là câu hỏi mà tất cả các doanh nghiệp được khảo sát đều nhận điểm số 0. Cam kết thực sự tại đại hội cổ đông về vấn đề kiểm toán viên là hết sức quan trọng”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Đánh giá tổng thể về kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải mở rộng đào tạo cho tất cả các thành viên về quản trị công ty. Các chương trình chuyên sâu về các vấn đề cụ thể như giao dịch của các bên liên quan; kiểm toán nội dộ; quản lý và kiểm soát rủi ro; đánh giá định kỳ hội đồng quản trị cần được thực hiện. Đặc biệt nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên tăng cường các quy định về cưỡng chế thực thi quản trị công ty tốt, tiến hành đánh giá thường xuyên điểm quản trị công ty và công bố kết quả sẽ giúp tăng cường chất lượng quản trị.
Chất lượng quản trị đi cùng giá trị doanh nghiệp
Các thông tin đánh giá hiệu quả quản trị nói trên được dựa theo nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vốn là thước đo được công nhận toàn cầu. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra mối liên hệ hữu cơ giữa quản trị công ty tốt với giá trị thị trường.
So sánh giữa hai nhóm doanh nghiệp có điểm số quản trị cao nhất và thấp nhất cho thấy: các công ty có chất lượng quản trị tốt cũng là những công ty có giá trị thị trường cao hơn. Các hệ số chuẩn như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) phản ánh sự vượt trội: Nhóm quản trị tốt đạt ROE bình quân 23,5%, vượt xa mức 16,6% của nhóm kém nhất. ROA cũng đạt 11,3% so với 8,3%.
Việc thị trường định giá các công ty có quản trị tốt cao hơn là điều dễ hiểu khi niềm tin được xây dựng ổn định. Quản trị công ty tốt cũng đồng nghĩa với rủi ro thấp.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận xét chất lượng quản trị của các công ty niêm yết đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên các công ty vẫn phải nỗ lực hơn nữa để tạo lập lòng tin của công chúng đầu tư. Vấn đề nổi cộm có thể kể đến là đảm bảo quyền cổ đông tham gia một cách hiệu quả vào quản trị công ty; tăng cường vai trò giám sát; đảm bảo công bố thông tin minh bạch, nhất là các thông tin bất thường.
“HNX liên tục hàng tháng tổ chức các buổi tập huấn công bố thông tin cho các công ty niêm yết, đặc biệt là các công ty mới lên sàn. Tôi cho rằng nâng cao chất lượng quản trị đang là mối quan tâm hàng đầu của các công ty và nhà quản lý”, ông Trung nói.
Đại diện HNX cũng cho rằng khi có một công cụ chấm điểm thường xuyên, cơ quan quản lý, công chúng đầu tư và chính công ty niêm yết sẽ đánh giá được tổng quát chất lượng quản trị của doanh nghiệp.
Đại diện HNX cũng cho rằng khi có một công cụ chấm điểm thường xuyên, cơ quan quản lý, công chúng đầu tư và chính công ty niêm yết sẽ đánh giá được tổng quát chất lượng quản trị của doanh nghiệp.