Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp tháng 5/2022
Vì là dự án luật phức tạp, Luật Đất đai sửa đổi được đề nghị bố trí đưa vào Chương trình cho ý kiến tại 2 kỳ họp và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2023...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê, bảo đảm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự án luật.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, bổ sung, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021), thông qua 1 dự thảo Nghị quyết; Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), thông qua 1 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) đối với 5 dự án luật gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đưa vào Chương trình thông qua đối với 4 luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
Do đó, dự án luật này được đề nghị bố trí vào Chương trình cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.
"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai là một nhiệm vụ trọng điểm và rất khó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Dự án sửa đổi Luật Đất đai đã được thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội khóa trước, nhưng không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc Chính phủ nhiều lần đề nghị lùi thời điểm trình dự án.
Ngoài các dự án trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để gối sang năm 2023 nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.