19:43 14/06/2021

Chính phủ lại hoãn trình dự án sửa đổi Luật đất đai

Lan Anh

Dự án sửa đổi Luật Đất đai không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021 của Chính phủ...

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp thứ 57 ngày 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

THỐNG NHẤT CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2022, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2021

Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2021, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất nội dung này. Tại kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021), Quốc hội sẽ thông qua 2 Nghị quyết, gồm Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Nghị quyết về cơ chế tài chính cho nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội xem xét, thông qua 1 dự án luật theo quy trình một kỳ họp mới được bổ sung và cho ý kiến 6 dự án luật khác đã có trong Chương trình từ trước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Về Chương trình năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XV (tháng 4/2022), Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình thông qua 6 dự án gồm Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động. Đây là các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. 

Chính phủ cũng đề nghị trình cho ý kiến với 3 dự án gồm Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi). Các dự án này được trình thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất ý kiến đề nghị của Chính phủ và ý kiến của các cơ quan thẩm tra đối với 4 dự án luật được đưa vào chương trình năm 2022. Dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 điều chỉnh năm 2022 và cho ý kiến của 3 dự án luật khác…

CHƯA TRÌNH DỰ ÁN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Trình bày ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật nhận thấy những kết quả đạt được trong năm 2020 trong việc lập và thực hiện Chương trình là sự tiếp nối, phát huy những đổi mới, ưu điểm đã đạt được trong các năm trước đó.

Tuy nhiên, công tác lập và triển khai chương trình cũng vẫn còn những hạn chế, bất cập đã nhiều lần được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra như điều chỉnh chương trình nhiều lần, trong đó nhiều dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, có dự án phải lùi tiến độ trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi chương trình để tiếp tục chuẩn bị….

Bên cạnh đó, trong lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách theo quy định, chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án.

Ngoài ra, việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định. 

Tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu đại diện Chính phủ giải trình việc một số nội dung đã có chương trình nhưng hiện quá hạn như: Luật Đất đai, Luật khám chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Lý giải về trường hợp Luật Đất đai chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc này được thực hiện theo đề nghị của Bộ Tài nguyên Môi trường. Chính phủ hiện đang triển khai nhiều công việc liên quan, dự kiến sẽ trình Quốc hội dự án luật này vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. 

Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai là một nhiệm vụ trọng điểm và rất khó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Dự án sửa đổi Luật Đất đai đã được thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội khóa trước, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc Chính phủ nhiều lần đề nghị lùi thời điểm trình dự án.

Cuối tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có phần đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp, cũng như những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai. Phó Thủ tướng chỉ đạo thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa trình dự án luật sửa đổi này để Quốc hội xem xét, thông qua.