Quỹ VIISA rót vốn vào nền tảng môi giới bất động sản MGi
Ngày 7/6, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) công bố đầu tư Công ty cổ phần công nghệ bất động sản MGI (MGi Proptech) và ra mắt nền tảng MGi phục vụ môi giới bất động sản…
Tuy nhiên, số vốn mà Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam rót vào nền tảng MGi không được tiết lộ.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam thời gian qua chứng kiến nhiều biến động sau những tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. “Cơn bão Covid-19” hoành hành dẫn đến sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như cách thức vận hành của các doanh nghiệp, và chuyển đổi số là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế đứng trước thách thức và cơ hội hậu Covid-19.
Ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch MGi Proptech, cho biết: Thị trường bất động sản không nằm ngoài cuộc đua chuyển đổi số với sự xuất hiện của lĩnh vực proptech (property technology – công nghệ bất động sản) hiện được đánh giá là ngành nóng và thu hút vốn đầu tư trên phạm vi toàn cầu.
“Những công nghệ mà proptech sử dụng giúp thị trường bất động sản minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời giúp người dùng trải nghiệm các hoạt động liên quan trong lĩnh vực bất động sản chỉ với một cú nhấp chuột”, chủ tịch MGi Proptech chia sẻ.
Tại Việt Nam, MGi Proptech cung cấp nền tảng công nghệ dành cho môi giới bất động sản, kết nối cộng đồng và phát triển hệ sinh thái nhằm giải quyết vấn đề phân phối của thị trường bất động sản thông qua mạng lưới môi giới trên toàn Việt Nam và thế giới.
Việc tìm kiếm thông tin, tạo danh sách khách hàng, tạo đội nhóm kinh doanh, quản lý nguồn hàng,… dễ dàng trên nền tảng của MGi. Với nền tảng công nghệ hiện đại, MGi mang đến các tính năng vượt trội như tìm nhanh, gợi ý bất động sản quanh bạn, lọc theo yêu cầu, thêm vào quỹ hàng, livestream xem nhà, tài liệu biểu mẫu bán hàng, chat với môi giới/đội nhóm…
Ngoài ra, hệ sinh thái bất động sản đa dạng của MGi giúp hỗ trợ môi giới bất động sản làm việc hiệu quả thông qua các hệ sinh thái như phong thủy, ngân hàng, pháp lý, đào tạo, công chứng, kiến trúc xây dựng, marketing,…
Được biết sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không ít các sàn giao dịch bất động sản vừa và nhỏ lâm vào cảnh phá sản hoặc phải sống lay lắt. Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tháng 9/2021, cả nước có khoảng 500 sàn giao dịch bất động sản, nơi làm việc của gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, nhưng có đến gần 30% sàn môi giới bất động sản đã giải thể, chủ yếu do ảnh hưởng từ đợt bùng phát Covid-19.
Ngoài ra, hơn 80% sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu hoặc doanh thu thấp. Có 28% sàn giao dịch phải giải thể, phá sản do ảnh hưởng dịch Covid-19.