00:14 08/11/2010

Quyết định kế hoạch kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách 2011

Nguyễn Lê

Tuần này, Quốc hội thông qua hai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011

Đã có 79 đại biểu phát biểu tại hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội tuần qua - Ảnh: CTV
Đã có 79 đại biểu phát biểu tại hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội tuần qua - Ảnh: CTV
Thông qua hai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 là nội dung quan trọng của kỳ họp Quốc hội thứ tám trong tuần này (8-13/11).

Thảo luận về những nội dung nói trên tại nhiều phiên họp trong hai tuần qua, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch năm 2011. Nhiều ý kiến đề nghị cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cần sự cố gắng trong nhiều năm nữa mới có thể đạt được. Đề nghị Chính phủ có định hướng, lộ trình cụ thể trung và dài hạn, bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Về các chỉ tiêu  chủ yếu, nhiều vị đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện của đất nước nhất là các chỉ tiêu về môi trường, giáo dục đào tạo. Đồng thời, trong công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện, cần xây dựng lộ trình, bước đi và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan hữu quan.

Với các chỉ tiêu kinh tế, có ý kiến đề nghị chỉ nên dự kiến GDP tăng 7%, không nên từ 7-7,5% để tránh việc điều chỉnh mục tiêu vào giữa năm. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ nên là 1.200 USD. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần đưa ra mục tiêu phấn đấu GDP tăng 7,5%, giảm mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP; chỉ số lạm phát nên thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Trong ngày làm việc đầu tiên của tuần này, trước khi thông qua nghị quyết về kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng được cho ý kiến ngay sau đó.

Trọn ngày hôm sau sẽ được dành cho hoạt động giám sát tối cao về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Trước kỳ họp Quốc hội, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội thông qua dự án sửa khoảng 48 luật và 12 pháp lệnh ngay tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 12 để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính... Tuy nhiên, đề xuất này được cho là không khả thi.

Các dự án luật được thảo luận trong tuần gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Đo lường; Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ; Luật Phòng, chống mua bán người…

Cũng trong tuần này, các dự án Luật Kiểm toán độc lập, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự;  Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội vào phiên họp giữa tuần.

Việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Quốc hội cho ý kiến tại tổ vào sáng thứ Năm.

Khai mạc từ ngày 20/10, kỳ họp Quốc hội thứ tám đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội diễn ra đầu tuần qua được đánh giá là những phiên họp “có lửa”, được dư luận và cử tri đánh giá cao.