21:48 01/09/2021

Rà soát phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Ánh Tuyết

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có công văn số 10059/BTC-VP, giao các đơn vị liên quan phối hợp cơ quan công an xử lý nghiêm việc phát hành trái phiếu chất lượng thấp, rủi ro cao, có hành vi lừa đảo...

Bộ Tài chính quyết chấn chính doanh nghiệp yếu kém dùng mồi nhử lãi suất cao để phát hành trái phiếu
Bộ Tài chính quyết chấn chính doanh nghiệp yếu kém dùng mồi nhử lãi suất cao để phát hành trái phiếu

Ngày 01/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cùng phối hợp, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 

"Tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp, nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro".

Công văn số 10059/BTC-VP ngày 1/9/2021

Cụ thể, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. 

Đồng thời, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Bộ trưởng cũng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

“Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật”, công văn của Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Đáng chú ý, theo đại diện Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2021, có 05/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành lỗ, nhưng trái phiếu của các doanh nghiệp này đều có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.

Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành; trong đó, đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành.

Bộ Tài chính cho rằng: doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Về vấn đề này, trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần phát đi cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư; tuy nhiên, nhiều nhà phát hành có tình hình tài chính yếu kém, thiếu minh bạch vẫn tiếp tục phát hành thông qua mồi nhử lãi suất cao. 

Kịp thời góp tiếng nói chấn chỉnh một số biểu hiện lệch lạc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong các ngày 16/8 và 30/8/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã tổ chức liên tục 2 buổi tọa đàm trực tuyến. Tại đây, đại diện Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cùng các chuyên gia độc lập, luật sư, công ty xếp hạng tín nhiệm đã phác thảo bức tranh toàn cảnh về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt lưu ý đến tình trạng doanh nghiệp năng lực yếu kém, thiếu minh bạch sử dụng lãi suất cao thông qua hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán để phân phối đến các nhà đầu tư thiếu thông tin và ít am hiểu cùng những rủi ro chung cho hệ thống tài chính. 

 

Theo dữ liệu công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), 7 tháng năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, có 364 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 225.509 tỷ đồng, 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài tổng giá trị 1 tỷ USD.