“Săn” cổ phiếu tăng trưởng: Tiêu dùng - bán lẻ hiện đại trong tầm ngắm
Việc tiếp nhận và khơi thông các nguồn lực từ hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong tương lai...
Sàng lọc các cổ phiếu có tiềm năng mở rộng thị trường, khả năng tăng doanh thu hoặc cải thiện lợi nhuận sẽ là chiến lược cốt lõi với các nhà đầu tư hiện nay, trong bối cảnh chỉ số chung của thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục đi lên nhưng đồng thời sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ.
ĐI TÌM CỔ PHIẾU TĂNG TRƯỞNG
Chỉ số VN-Index sẽ lên đến mốc 1.500 điểm vào cuối năm là kịch bản chung được nhiều công ty chứng khoán mới đây nhận định. Tuy nhiên, chứng khoán sẽ không “dễ ăn” như trước nữa, thay vào đó, các nhà đầu tư buộc lòng phải “đi săn” những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Trong bối cảnh này, hàng loạt các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn mới đây được các nhà phân tích nâng mức định giá. Phổ biến trong số này không chỉ có những ngành nghề được hưởng lợi như ngân hàng hay chứng khoán, mà cả những công ty vốn hóa lớn trên thị trường. Điển hình trong số này là câu chuyện của tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN).
Theo đó, Credit Suisse đã nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu MSN lên mức 137.000 trong báo cáo mới công bố vào ngày 7/7.
Trước đó, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đã nâng mức giá mục tiêu của MSN lên mức 142.500 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn khoảng 30% so với thị giá ngày 6/7. Định giá mới được đưa ra sau thương vụ Masan vừa tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX (TCX - nền tảng tích hợp mảng hàng tiêu dùng và mảng bán lẻ của Masan) từ 80,2% lên 84,9% và cập nhật tình hình kinh doanh của VinCommerce mới đây.
Tương tự, đầu tháng 7 vừa qua, Công ty chứng khoán HSC cũng khuyến nghị mua MSN với mức giá mục tiêu là 134.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên triển vọng khả quan của hoạt động bán lẻ. HSC dự báo con số tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2021 ước có thể tăng đến 108,9% và 95% trong năm 2022.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Mirae Assets đã nâng giá mục tiêu MSN từ 120.000 đồng/cổ phiếu trong báo cáo định giá hồi tháng 1, lên mức 131.000 đồng/cổ phiếu trong báo cáo công bố ngày 5/7. Ở thời điểm đầu năm, Mirae Assets đánh giá MSN là “Người khổng lồ thức giấc”.
Theo Mirae Asset, mức giá mục tiêu tăng lên là dựa trên phương pháp định giá tổng hợp năm mảng kinh doanh của Masan, bao gồm Sản xuất hàng tiêu dùng (MCH), Sản xuất và chế biến thịt mát (MML), Vật liệu công nghệ cao (MSR) và Bán lẻ hiện đại (Vincommerce) và Dịch vụ tài chính (dựa trên mối quan hệ với Techcombank, ngân hàng cũng vừa được hàng loạt định chế tài chính nâng mức định giá).
Tính riêng TCX, mức định giá cho nền tảng bán lẻ hiện đại này được xác định ở mức 7,3 tỉ đô la, dựa trên thương vụ Alibaba và các nhà đầu tư khác rót 400 triệu USD (tương đương 5,5% cổ phần). Đây cũng là mức định giá mà Masan đã đồng ý chi 50 triệu USD để mua cổ phần thứ cấp và bản thân TCX chi 350 triệu đô la mua lại cổ phiếu quỹ để nâng tỷ lệ sở hữu gần đây.
Trên thực tế, TCX bao gồm hai nền tảng nổi bật là Vincommerce (trước đó định giá khoảng 1 tỷ USD khi Masan nhận chuyển nhượng từ Vingroup) và Masan Consumer Holdings (giá trị vốn hóa khoảng 80.000 tỉ đồng trên sàn UpCom, tương ứng gần 3,5 tỉ đô la). Như vậy, giá trị của TCX đã tăng lên đáng kể sau khi “cộng gộp” hai mảng hoạt động kinh doanh này, thể hiện sự kỳ vọng tạo ra lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Danny Le, Tổng giám đốc của tập đoàn Masan, con số này vẫn chưa được phản ánh hết kì vọng khi nhìn vào kết quả kinh doanh dự kiến trong năm nay và tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp offline-to-online. “Định giá hiện nay của The CrownX chưa phản ánh chính xác giá trị công ty”, ông cho biết.
Mới đây, lãnh đạo Masan cho biết The CrownX dự kiến sẽ tiếp tục nhận 300-400 triệu USD vốn đầu tư trong nửa cuối năm 2021. Về dài hạn, Masan đặt mục tiêu sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu của MSN tại TCX tối thiểu ở mức 75%.
Có thể thấy thị giá MSN tăng mạnh sau những thương vụ M&A trong thời gian gần đây. Năm ngoái, Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) đã rót 90 triệu USD để mua 10% cổ phần của Masan High-Tech Materials (mảng khoáng sản), hay thương vụ mua lại 51% cổ phần của 3F Việt (đơn vị sản xuất thịt mát).
Thị giá MSN bắt đầu tăng từ đầu tháng 10 năm ngoái, chốt cuối năm đạt gần 89.000 đồng/cổ phiếu, tức đã tăng hơn 64%. Tính đến ngày 6/7, thị giá MSN hiện ở mức 109.000 đồng/cổ phiếu.
CƠ HỘI LỚN TỪ NỀN TẢNG BÁN LẺ HIỆN ĐẠI
Việc tiếp nhận và khơi thông các nguồn lực từ hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Về tổng thể, Masan vẫn đang tiếp tục tăng tốc xây dựng nền tảng “Point of Life”, mô hình phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng từ nhu yếu phẩm (như thực phẩm, đồ uống), đến các dịch vụ tài chính (thanh toán, mở thẻ tín dụng, đầu tư,…) và xa hơn là các nhu cầu khác (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí,…).
Cụ thể, Masan mới đây bắt tay hợp tác chiến lược với Phúc Long, thương hiệu chuỗi trà và cà phê hàng đầu trên thị trường, thử nghiệm mô hình kiosk Phúc Long tại cửa hàng VinMart+.
Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với Vincommerce (VCM), tương đương với mức dự kiến khoảng 1 triệu đồng/ngày. Masan đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có khoảng 1.100 cửa hàng tích hợp, đồng nghĩa với biên Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của các cửa hàng này sẽ cải thiện thêm 4%. Tính đến cuối tháng 6/2021, đã có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm kiosk Phúc Long đi vào hoạt động.
Thử nghiệm thứ hai là việc đặt các điểm giao dịch của Techcombank cùng với kiosk Phúc Long tại VinMart+ ở Hà Nội, giúp khách hàng giao dịch thuận tiện và linh hoạt hơn so với truyền thống. Theo đó, Techcombank và Masan gọi đây là mô hình giao dịch một điểm đến đa tiện ích - CVLife (Convenient Life), mục tiêu là đáp ứng các nhu cầu từ sinh hoạt hằng ngày đến nhu cầu tài chính.
Cơ hội thứ ba đến từ tiềm năng của hàng hóa nhu yếu phẩm, hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt, được mua sắm với tần suất hàng ngày nhưng khả năng tiếp cận kênh online còn hạn chế.
Cùng khoản vốn 400 triệu USD rót vào TCX, kế hoạch hợp tác với Alibaba và Lazada còn được kỳ vọng là “chất xúc tác” giúp Masan đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa ngành bán lẻ, tạo sự cộng hưởng từ những giá trị trong lĩnh vực bán lẻ offline hiện có.
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, lợi nhuận của MSN sẽ được cải thiện đáng kể nhờ khả năng thương lượng với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ kiosk Phúc Long và danh mục nhãn hàng riêng của VCM. Trong dài hạn, Masan đặt mục tiêu tổng biên lợi nhuận thương mại của VCM sẽ vượt con số 30%, so với mức 20% ở thời điểm hiện nay.
Cho đến nay, các kỳ vọng về tăng trưởng vẫn đang diễn tiến khả quan. Theo cập nhật mới, tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu, doanh thu của VCM trong quý 2 ở mức tương đương so với cùng kỳ, dù số lượng cửa hàng giảm sau khi đã tích cực đóng các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong năm 2020.
VCM dự kiến lỗ ròng khoảng 1.000 tỉ đồng trong năm nay, giảm đáng kể so với mức lỗ 3.200 tỉ đồng trong năm ngoái. Số lượng điểm bán của VCM (VinMart và VinMart+) được dự kiến đạt con số 3.000 điểm bán vào cuối năm nay. Về dài hạn, VCM được kỳ vọng sẽ là hệ thống bán lẻ hiện đại dẫn đầu về quy mô, vừa có lãi.
“Năm 2021 là năm đánh dấu bước ngoặt của VinCommerce khi hệ thống bán lẻ này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận. Đây chính là nền tảng để chúng tôi gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online (offline-to-online)”, ông Danny Le cho biết.