06:00 20/07/2021

Sáng - tối trong cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu

Vũ Khuê

Mặc dù các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian qua, song khâu xác nhận mã HS và xác định trị giá hải quan vẫn là hai thủ tục khiến hầu hết các doanh nghiệp không hài lòng...

Doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan.
Doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan.

Tại buổi công bố kết quả khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết: qua các số liệu điều tra cũng như phản ánh trực tiếp của hàng nghìn doanh nghiệp thấy nổi lên hai vấn đề lớn là khâu xác nhận mã HS và xác định trị giá hải quan.

BỨC XÚC XÁC NHẬN MÃ HS VÀ TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan. Năm 2018, có 66,3% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong kiểm tra xác nhận mã HS khi khai hải quan, nhưng con số này năm 2020 đã tăng lên 76,2%.

Tương tự, trong việc xác định trị giá hải quan, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn vẫn cao (48%). Cứ 10 doanh nghiệp thì có 5 doanh nghiệp xác nhận có gặp vấn đề trong khâu này.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng áp dụng mã HS không thống nhất giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp bị xử phạt, truy thu.

Điều đáng nói là việc này không phải lỗi của doanh nghiệp mà do cách hiểu khác nhau giữa cơ quan này với cơ quan khác. Khá nhiều doanh nghiệp cho biết việc tham vấn mã HS với cơ quan hải quan không dễ dàng. Mức độ hợp tác chưa tích cực. Kết quả giám định mã hải quan mất nhiều thời gian.

 
Nhiều doanh nghiệp không tâm phục khẩu phục trong xác định trị giá hải quan. Có doanh nghiệp cho biết vẫn có tình trạng một số nơi công chức hải quan seach (tìm kiếm) ở trên mạng trang web bán hàng điện tử và áp giá đó với giá của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp không mua hàng trên thương mại điện tử.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Bổ sung thêm, ông Tuấn cho biết, trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp nói “hài lòng” còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp cho rằng gánh nặng tuân thủ quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn khá lớn; 55,3% cho rằng quy trình thực hiện phức tạp; 54,6% phàn nàn phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài so với quy định…

Ngoài ra vẫn còn một số bất cập trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, trùng lặp thủ tục giữa các bộ phận trong cùng một bộ, danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Đặc biệt, có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong việc. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cũng đồng tình: trị giá hải quan là vấn đề tồn tại đã từ lâu. Đây là sự không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Cơ quan hải quan cần nghiên cứu thêm về việc đưa ra cơ chế thế nào trong việc xác định trị giá hải quan để đảm bảo khi doanh nghiệp áp dụng không cảm thấy bức xúc.

Một số mã HS không thống nhất giữa các bộ ngành với cơ quan hải quan. Điều này do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan với các cơ quan có liên quan khác. Dù chúng ta đã có Cổng thông tin 1 cửa quốc gia, nhưng thủ tục nào đi theo thủ tục đó, không có sự kết nối chia sẻ giữa các thủ tục.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta, cho rằng lợi ích của doanh nghiệp đến từ việc cắt giảm chi phí thuế xuất nhập khẩu không còn lớn bằng lợi ích có được từ thuế nội địa. Nếu giảm trị giá tính thuế đồng nghĩa với việc thu nhập chịu thuế nội địa doanh nghiệp tăng lên, lợi ích ấy không còn lớn nữa.

“Vì vậy hải quan cần có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này, tránh tình huống doanh nghiệp muốn kiện hải quan về xác định giá trị tính thuế”, ông Nghĩa lưu ý.

“Có nhiều tình huống cơ quan hải quan áp trị giá tính thuế oan uổng. Nếu áp như vậy, tỷ suất lợi nhuận cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa của doanh nghiệp biến mất. Với trị giá tính thuế như vậy, trong nhiều tình huống rất oan ức cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói, đồng thời đề xuất cơ quan hải quan cần nhìn nhận khách quan hơn, ở góc độ tổng thể rằng nếu doanh nghiệp tránh thuế ở chỗ này thì sẽ tăng nộp thuế ở chỗ kia...

HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP TỰ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT

Trước những phản ánh trên, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ: “Khi nói về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng tôi tự hỏi bản thân mình đã hài lòng chưa. Rất mừng là 5 chỉ tiêu từ tiếp cận thông tin, giải quyết các vướng mắc thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát… đều được cải thiện so với năm 2018. Dẫu vậy, có những chỉ tiêu chưa được vui lắm. Như liên quan tới phân loại hàng hoá HS, trị giá hải quan. Chúng tôi đã nhận thức, đã thấy và cũng đã và đang từng bước khắc phục”.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng vấn đề này không chỉ riêng ngành hải quan mà còn liên quan đến rất nhiều các bộ ngành. Đơn cử, nếu chỉ nói về phân loại HS, biểu thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, có lẽ chưa có nước nào có biểu thuế phức tạp như vậy. Đó là phức tạp ở mức thuế.

Khi ký FTA, mức thuế đã giảm nhưng số lượng mức thuế suất hiện nay quá lớn nên giáp ranh giữa các mức thuế suất khác nhau, dẫn tới phức tạp. “Chính vì thế chúng tôi đã và đang kiến nghị Bộ Tài chính hướng đến đơn giản hóa mức thuế suất".

 
"Thay vì trên 30 mức thuế suất thì các nước hiện chỉ đang áp trên dưới chục mức. Nếu đơn giản hóa mức thuế suất thì sẽ đỡ phức tạp và tự động hoá cũng sẽ nhanh hơn.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Điều mà ngành hải quan hài lòng, theo ông Cường, là tinh thần phục vụ của cán bộ hải quan đã có cải thiện vượt bậc. “Lâu nay chúng ta đã chuyển từ quản lý nhà nước sang phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sắp tới ngành hải quan sẽ cải tiến hơn nữa. Hải quan và VCCI sẽ tiếp tục khảo sát điều này, nhưng sẽ bàn làm sao để khảo sát sâu hơn, có chất lượng hơn. Không phải tốt rồi mà dừng lại, mà tốt rồi thì cần tốt nữa”, ông Cường tự tin nói.

Ông Cường cho biết thêm, tới đây hải quan sẽ áp dụng quản lý rủi ro. Hiện ngành hải quan đã công khai sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điểm mới theo Nghị quyết 01 và 02. Chúng ta phải xem xét, đánh giá đảm bảo tính công bằng giữa và cơ quan hải quan. Mục đích hướng tới cộng đồng doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật, và đây chính là ý nghĩa của quản lý rủi ro.

Về phía kiểm tra chuyên ngành, ông Cường cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành làm sâu hơn nữa việc đánh giá sự hài lòng về kiểm tra chuyên ngành ở góc độ: danh mục kiểm tra chuyên ngành phải xem xét lại, các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trùng lặp – đang là rào cản vì chiếm hơn 2/3 hàng thông quan, thủ tục giấy tờ cần làm – đơn giản hơn, thời gian kiểm tra chuyên ngành, chi phí kiểm tra chuyên ngành…