Sau Bộ trưởng Brexit, đến lượt Ngoại trưởng Anh bất ngờ từ chức
Vụ bộ trưởng thứ hai từ chức ở của Anh chỉ trong vòng một ngày, khiến kế hoạch Brexit của Thủ tướng May lâm khủng hoảng
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 9/7 bất ngờ từ chức do mâu thẫu với kế hoạch của Thủ tướng Theresa May về đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Đây là vụ bộ trưởng từ chức thứ hai của Anh chỉ trong vòng một ngày, khiến kế hoạch Brexit của bà May lâm khủng hoảng.
Theo tin từ Reuters, một ngày sau khi hủy các cuộc họp về Brexit tại nơi ở chính thức của Ngoại trưởng Anh ở trung tâm London, ông Johnson - một người có quan điểm hoài nghi về EU - quyết định từ chức. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Brexit là ông David Davis có động thái tương tự.
Hai vụ từ chức của hai nhân vật quan trọng đặt bà May vào thế "đơn thương độc mã" trong việc lãnh đạo một Chính phủ không thể đoàn kết để giải quyết vụ "ly hôn" giữa London với EU, cũng là cuộc dịch chuyển chính sách đối ngoại và thương mại lớn nhất của nước Anh trong vòng khoảng nửa thế kỷ trở lại đây.
Sự ra đi của hai vị Bộ trưởng cũng đặt ra câu hỏi liệu bà May có thể giữ vững cam kết theo đuổi một kế hoạch Brexti thân thiện với kinh doanh, hay sẽ gặp thêm thách thức mới đối với thẩm quyền của bà và những lời kêu gọi chính bà phải từ chức.
Hôm thứ Sáu, bà May tưởng như đã đạt được một thỏa thuận khó khăn với nội các chia rẽ của bà về một kế hoạch Brexit nhằm giữ mối quan hệ thương mại gần nhất có thể với EU. Tuy nhiên, khi từ chức vào hôm Chủ nhật, ông Davis không tiếc lời chỉ trích kế hoạch của bà May, nói rằng đây là một kế hoạch nguy hiểm, "cho đi quá nhiều và quá dễ dàng" với các nhà đàm phán EU và sẽ dẫn tới việc EU đòi hỏi nhiều hơn.
Với vụ từ chức của ông Johnson, những người phản đối kế hoạch Brexit của bà May trong nội các Anh có thể sẽ càng lớn tiếng. Nhiều nhà vận động Brexit trong Đảng Bảo thủ của bà May cho rằng bà đã phản bội lời hứa về theo đạt tới một sự chia tay "sạch bách" với EU.
Giờ đây, bà May sẽ phải đối mặt với một quyết định khó khăn: thay đổi kế hoạch hay giữ nguyên kế hoạch và đối mặt với những người phản đối. Tình thế khó khăn này xảy đến vào thời điểm chưa đầy 9 tháng trước khi Anh chính thức ra khỏi EU và hơn 3 tháng trước khi EU muốn có một thỏa thuận với Anh.
Nhiều người phản đối Anh ở lại trong EU cáo buộc bà May đứng về phe muốn Anh ở lại trong khối này - những người đã vận động hành lang để có một kế hoạch Brexit giữ nguyên chuỗi cung ứng phức tạp mà nhiều công ty vào hàng lớn nhất của Anh vẫn sử dụng suốt mấy thập kỷ qua. Những người muốn một kế hoạch Brexit như vậy lo ngại rằng một cuộc chia tay "sạch bách" với EU sẽ khiến nước Anh mất nhiều việc làm.
Trong khi đó, phe hoài nghi EU cho rằng lời nói và hành động của bà May không nhất quán. Họ cho rằng đề xuất của vị Thủ tướng có thể khiến nước Anh vẫn phải tuân thủ các quy tắc của EU trong khi chẳng còn ảnh hưởng gì trong khối này.
"Tôi tự hào về cả Davids Davis và Boris Johnson vì đã giữ vững lập trường của họ", nghị sỹ Bảo thủ Ross Thomson viết trên mạng xã hội Twitter.
"Những quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ sẽ định hình mối quan hệ của nước Anh với EU và phần còn lại của thế giới trong cả một thế hệ. Chúng ta nhất thiết phải Brexit một cách đúng đắn, chứ không thể làm nửa vời".