17:08 05/08/2023

Sẽ có thêm 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nhật Dương

Chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người làm việc không trọn thời gian... sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ đề xuất mở rộng thêm nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

CÒN BỎ SÓT NHÓM ĐỐI TƯỢNG CÓ KHẢ NĂNG VÀ NHU CẦU NHƯNG CHƯA THAM GIA 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng trên 5,1 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Thực tiễn thời gian qua, mặc dù pháp luật chưa quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng này (cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ).

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng.

Hiện nay, ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tương tự như đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Theo số liệu tính đến 31/12/2022, cả nước có 405.032 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 270.346 người.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định chỉ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, Luật cũng chỉ mới quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương chưa được quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mặc dù đối tượng này có nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mở rộng thêm 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Ngoài ra, trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019 cũng sẽ thuộc diện tham gia.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, dự thảo Luật cũng đề xuất giao Chính phủ quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

ĐẢM BẢO CÁC CHẾ ĐỘ AN SINH 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đánh giá tác động của việc mở rộng đối tượng tham gia, cơ quan soạn thảo Luật cho rằng, đối với Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ làm tăng nguồn thu vào quỹ; tuy nhiên đồng thời làm tăng nguồn chi từ quỹ trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong trung hạn, việc gia tăng đối tượng tham gia sẽ giúp cải thiện khả năng cân đối tài chính của quỹ, trong dài hạn thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể hơn theo từng quỹ thành phần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí, tử tuất do vấn đề nợ lương hưu tiềm ẩn, số người tham gia càng nhiều, số nợ lương hưu tiềm ẩn càng lớn.

Đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, mỗi cá nhân chủ hộ sẽ phát sinh kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (25%, trong đó 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản), trong khoảng từ 500 nghìn đồng/tháng cho đến 9 triệu đồng/tháng (tương đương từ 6 triệu đồng/năm đến 108 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên, bù lại người tham gia sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro sự kiện bảo hiểm, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng tương đương với mức đóng góp.

Đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, cũng giống như đối với nhóm đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể, mỗi cá nhân thuộc đối tượng nêu trên sẽ phát sinh kinh phí đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với người làm việc không trọn thời gian, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng vào quỹ hưu trí tử tuất (người lao động 8%; người sử dụng lao động 14%), quỹ ốm đau thai sản (người sử dụng lao động 3%) trên tiền lương của người lao động.

 

Hiện nay cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước năm 2022, cả nước có khoảng 29 nghìn hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; trong đó có 970 nghìn người lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì hiện nay mới có gần 7 nghìn hợp tác xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 40 nghìn người lao động.

Kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.