21:46 09/04/2023

Sẽ lập nhóm phản ứng nhanh để xử lý tình trạng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, giả mạo

Nhĩ Anh

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, các cơ quan chứng năng phát hiện 10 vụ sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, lừa đảo, tin nhắn quảng cáo, giả mạo. Trước tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị lập nhóm phản ứng nhanh (Task force) để xử lý...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, trong tháng 3/2023, Bộ đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo... với mục đích lừa đảo người dân tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.

HƠN 1 THÁNG PHÁT HIỆN 10 VỤ SỬ DỤNG TRẠM BTS GIẢ ĐỂ PHÁT TÁN TIN NHẮN RÁC, GIẢ MẠO

Còn theo Cục Tần số vô tuyến điện, ngay trong những ngày đầu tháng 4, cơ quan này cùng các Trung tâm tần số khu vực phối hợp với Công an phát hiện 2 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo ở địa bàn 2 tỉnh phía Bắc là Thái Nguyên và Hưng Yên.

Nếu như thời điểm trước, các đối tượng sử dụng BTS giả phát cố định thì hiện nay, các đối tượng sử dụng ô tô chở thiết bị đến khu tập trung dân cư đông đúc để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo. Điều này vừa để tránh bị phát hiện, vừa có thể cơ động đến được nhiều khu dân cư, nơi tập trung đông người nhằm đạt mục đích phát tán nhiều tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác.

 
Như vậy chỉ trong hơn 1 tháng, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin rác, tin lừa đảo tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các chuyên gia cho biết, trạm phát sóng BTS giả có kích thước nhỏ gọn với thiết bị phát nhỏ hơn bộ CPU của máy tính. BTS giả này được kết nối với máy tính xách tay, thuận tiện cho việc đi lại, cơ động

Thực tế trong thời gian qua, tình trạng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo xuất hiện không ít, đáng chú ý tin nhắn brandname (tin nhắn thương hiệu) giả mạo ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây thiệt hại cho người dân, đồng thời gây bức xúc trong dư luận. 

Như vậy, chỉ từ đầu tháng 3/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin rác, tin quảng cáo, tin giả mạo, lừa đảo tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước việc các trạm BTS giả xuất hiện phổ biến trở lại, tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý I/2023 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị lập “Task force” (nhóm phản ứng nhanh) do Bộ chủ trì để xử lý.

Theo Bộ trưởng, BTS giả cũng tương tự như SIM giả. Chúng ta đã xử lý được SIM giả thì sẽ giải quyết được BTS giả và Bộ sẽ xử lý mạnh để giải quyết tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề SIM rác, năm 2023 được xác định là năm xử lý triệt để SIM rác. Sau khi các thuê bao di động có đầy đủ thông tin, bước tiếp theo là thông tin phải đúng.

Ngày 31/3/2023 là hạn cuối để các nhà mạng cắt các SIM không xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư. Bước cuối cùng là xác minh SIM chính chủ, tức là đăng ký đúng người. Xong bước này thì hành vi dùng SIM rác để lừa đảo mới được giải quyết cơ bản. Điều này không chỉ bảo vệ người dân mà các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi vì số thuê bao đúng sẽ được sử dụng vào việc định danh, giao dịch điện tử, tạo ra cơ hội phát triển mới.

Để xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023.

Thực tế, thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác diễn ra phổ biến. Thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có.

Điều này dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, thậm chí nhiều người bị thiệt hại tài sản.

QUY HOẠCH LẠI CÁP QUANG BIỂN, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ SỰ BỀN VỮNG CỦA HẠ TẦNG SỐ

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức hoá khái niệm hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số như AI, Blockchain (chuỗi khối), Big Data, phân phân tích dữ liệu. Đây là 3 thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số quốc gia. Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2023 cũng sẽ là năm thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, cung cấp công nghệ như là một dịch vụ.

Năm nay, Bộ xác định là năm chất lượng và bền vững của hạ tầng số. Hạ tầng của nền kinh tế số, của nền kinh tế nói chung thì không thể kém ổn định, thiếu bền vững như bộc lộ trong thời gian vừa qua. Đó là các sự cố cáp quang biển, chất lượng di động, vấn đề cắt cáp lẫn nhau của các doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ công trực tuyến...

 
Hạ tầng của nền kinh tế số cũng như nền kinh tế nói chung không thể kém ổn định, thiếu bền vững như bộc lộ trong thời gian vừa qua với các sự cố cáp quang biển, chất lượng di động, vấn đề cắt cáp lẫn nhau của các doanh nghiệp...

Quản lý nhà nước tại trung ương, các địa phương và doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sự bền vững của hạ tầng số quốc gia. Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lập nhóm để quy hoạch lại cáp quang biển quốc tế để bền vững hơn.

Trước đó, chia sẻ về tình trạng một loạt hệ thống cáp quang biển Việt Nam kết nối quốc tế bị sự cố, đại diện Cục Viễn thông cho hay, qua việc nhiều tuyến cáp quang biển gặp sự cố, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy những cơ hội mới để phát triển các tuyến cáp biển, đưa Việt Nam trở thành hub trong khu vực.

Thực tế là, 5 tuyến cáp hiện nay và 2 tuyến cáp mới dự kiến được đưa vào khai thác trong năm nay đều do các đối tác quốc tế chủ trì xây dựng và các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò thành viên tham gia đầu tư và sử dụng.

Để tăng tính chủ động của Việt Nam, Bộ đang chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng khoảng 2 tuyến cáp biển quốc tế do nhóm các doanh nghiệp trong nước liên minh với nhau đầu tư, làm chủ. Dự kiến đến năm 2025, tổng số tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng sẽ khoảng 10 tuyến, gấp đôi hiện nay.

 

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Tạo ra giá trị từ dữ liệu, tạo ra tăng trưởng, phát triển từ dữ liệu là nội dung chính của chuyển đổi số. Dữ liệu là đầu vào mới của sản xuất, là yếu tố của sản xuất giống như đất đai. Năm 2023 cũng là năm phải đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công, kể cả chất lượng cải cách hành chính trên môi trường số của các bộ, ngành, địa phương. Bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn về chất lượng cổng dịch vụ công.

Năm 2023, Bộ cũng đứng ra đảm bảo chất lượng toàn trình của liên thông dữ liệu, đảm bảo chất lượng các dịch vụ công liên thông, liên hệ thống, liên bộ, liên ngành, liên địa phương. Bộ lưu ý các doanh nghiệp đã hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương phải chú ý đánh giá lại hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này để đề xuất nâng cấp, đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu, cũng như chất lượng dịch vụ công trực tuyến...