Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng thì tôi đã tự tử”
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai chia sẻ tại buổi buổi đối thoại ngày 10/4 tại Tp.HCM
Hồ sơ thủ tục kéo dài, ách tắc khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh từ phát triển thành cảnh nợ nần. Thậm chí có vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ đôi lần lóe lên "ý tưởng" muốn giải thoát mình, muốn được thảnh thơi bằng cái chết.
Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và Lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp.HCM, cùng các Sở ngành liên quan ngày 10/4, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai bày tỏ nỗi mệt mỏi, chán ngán khi thốt lên câu: "Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp".
Theo chia sẻ của bà Loan, hiện tại, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án có tổng diện tích 150 ha trên địa bàn Tp.HCM bị ách tắc. Những khu đất này chủ yếu là đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã tự đền bù giải phóng mặt bằng, không có nguồn gốc đất công. Không những thế, ngay đến 1 dự án đất ở có diện tích 3.000 m2, không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố nhưng vẫn không thông được.
Bà Loan cho biết, lô đất này được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017. Khi đó, Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Song, đến khâu trình UBND Tp.HCM để chấp thuận đầu tư, chuyên viên Uỷ ban trả lại hồ sơ với lý do vịn vào phần xác nhận của Sở Xây dựng không chắc chắn.
Theo bà Loan, chuyên viên trả hồ sơ hỏi tại sao Sở Xây dựng lại ghi là cơ bản hoàn thành mà không khẳng định hoàn thành. Chỉ một câu chữ thôi mà từ tháng 10/2017 đến nay, chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại hồ sơ dự án gần như 100%. Từ, trình chấp thuận chủ trương đầu tư, xin phê duyệt lại quy hoạch 1/2000 trong khi dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản dưới sự chủ trì của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, vào tháng 10/2018, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM đã đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với UBND quận 7 điều chỉnh quy hoạch 1/2000, cập nhật phê duyệt quy hoạch cho doanh nghiệp. Sau đó chuyển UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ, thì thiết lập chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.
Nhưng từ tháng 12/2018 đến nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc vẫn chưa giải quyết được thủ tục với lý do họ thắc mắc đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không, bà Loan thông tin.
Bà Loan cho biết, doanh nghiệp tiếp tục đến Sở Tài chính hỏi. Sở Tài chính trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời Giám đốc nên không thể tìm hiểu ngay được và đề nghị muốn nhanh thì doanh nghiệp phải tự tìm ra hồ sơ.
Theo đó, doanh nghiệp đã tự tìm đến các cơ quan để xin hồ sơ và kết quả là khu đất được giao năm 2005 không vướng vào đất công. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp.HCM vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận.
"Tôi rất rất bức xúc. Sự việc nó giống như câu nói dân dã: Thủ kho to hơn thủ trưởng. Anh em thụ lý hồ sơ, thực thi pháp luật đang rất hoang mang. Họ không trình lấy đâu ra Trưởng phòng ký, Trưởng phòng không trình lấy đâu ra Phó giám đốc Sở ký, Phó giám đốc Sở không trình thì nói gì đến UBND thành phố?", bà Loan phản ảnh.
Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết rất kỳ vọng vào dự án 3.000m2 này. Bởi, diện tích này có thể giúp doanh nghiệp kiếm vài trăm tỷ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên trong khoảng 1-2 năm, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác.
"Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp", bà Loan tâm sự.
Tại buổi đối thoại ngày 10/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM cho rằng, nếu các quy định về luật chồng chéo nhau, không phù hợp thực tế thì Chính phủ và Bộ ngành phải sửa. Còn nếu sai phạm của địa phương, tại các Sở, phòng ban thì người quản lý phải chịu trách nhiệm, cụ thể là Giám đốc Sở.
Trong phạm vi ngành, Giám đốc sở phải biết cách xoay sở và tìm ra giải pháp giải quyết cho doanh nghiệp. Không để tình trạng nhân viên cấp dưới không biết xử lý hồ sơ thế nào nên chưa trình lên Giám đốc Sở. Nhân viên không có quyền không trình hồ sơ và ngâm để đó.
Qua vụ việc của Quốc Cường Gia Lai phản ảnh, có thể đặt ra câu hỏi vì đâu các doanh nghiệp phải khổ sở như vậy? Thực trạng chuyên viên ngâm hồ sơ có nhiều nguyên do, ngoài mục đích cá nhân thì cũng vì các luật định còn chồng chéo, sơ hở, các chuyên viên là người trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ ở các Sở ngành rất e ngại, bởi "bút phê gà chết", nếu sau đó xảy ra hồi tố hồ sơ lại bị quy trách nhiệm.
Bởi vậy, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, câu chuyện thủ tục cần được giải quyết tận gốc chính là các quy định phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu. Tạo điều kiện ổn định đời sống công chức. Sau đó, các cơ quan quản lý phải giải quyết triệt để tác phong làm việc của công chức đơn vị mình.