06:32 19/08/2022

Siết tín dụng khiến dự báo thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng

Kiều Linh

Thị trường 6 tháng cuối năm tiếp tục sẽ đi vào tình trạng trầm lắng. Nguyên nhân là những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, chính sách tiền tệ với việc siết chặt tín dụng vào bất động sản...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo thị trường bất động sản tháng 7 vừa được thực hiện bởi Batdongsan.com cho thấy, những tháng gần đây, giao dịch trên thị trường bất động sản diễn ra khá chậm.

NHIỀU PHÂN KHÚC GIAO DỊCH "LỜ ĐỜ" 

Mức độ quan tâm bất động sản bán toàn quốc giảm 4%, trong khi lượng quan tâm đến bất động sản cho thuê tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu... ghi nhận mức độ quan tâm bất động sản thể hiện nhu cầu giảm nhưng lượng tin đăng bất động sản phần nào phản ánh nguồn cung tăng so với 7 tháng đầu năm 2021.

Tại thị trường Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm bất động sản Hà Nội gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó, lượng tin đăng tăng 11%. Điều này phần nào cho thấy các bên bán bất động sản gồm chủ đầu tư, sàn giao dịch và chủ nhà đang ở giai đoạn chuẩn bị với những phương án truyền thông, quảng cáo nhằm đón đợi cơ hội thanh khoản.

Trong 7 tháng đầu năm nay, chung cư là loại hình bất động sản duy nhất của Hà Nội có lượng quan tâm tăng. Các phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp và cao cấp lần lượt tăng 3%, 9% và 2% về mức độ quan tâm so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá rao bán căn hộ Hà Nội cũng tăng từ 6% đến 13%. Mức tăng này còn cao hơn so với tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư ở TP. Hồ Chí Minh (tăng từ 4% đến 8%).

Hầu hết các loại hình bất động sản khác của thủ đô, từ đất thổ cư riêng lẻ đến đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5% đến 32% so với cùng kỳ năm trước.

Siết tín dụng khiến dự báo thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng   - Ảnh 1

Tại TP.HCM, mức độ quan tâm trong 7 tháng đầu năm nay tăng 7%, lượng tin đăng cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhu cầu tìm mua nhà mặt phố và biệt thự liền kề tăng lần lượt 18% và 9%. Lượng tìm thuê văn phòng, nhà mặt phố, chung cư, nhà riêng đều tăng đáng kể, với mức tăng lần lượt là 122%, 61%, 35%, 16%. Đây là những loại hình bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.

Cũng là một loại hình bất động sản phổ biến, phục vụ nhu cầu ở thực nhưng căn hộ chung cư lại có nhu cầu tìm mua giảm 3% trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng. Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm nay, tất cả các phân khúc căn hộ TP.HCM đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%).

6 THÁNG CUỐI NĂM TIẾP TỤC TRẦM LẮNG?

Nhận định về diễn biến thị trường thời gian gần đây, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com, đánh giá rằng Hà Nội đang làm tốt về quy hoạch hạ tầng và đẩy mạnh các tuyến đường giao thông. Vì vậy, thành phố đã sẵn sàng đón các luồng đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, giao dịch đất nền và thổ cư đang diễn biến khá chậm, nguồn cung còn hạn chế và chưa có dấu hiệu gia tăng rõ ràng trong thời gian tới.

"Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của Nhà nước. Một khi “nút thắt” tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động”, đại diện Batdongsan.com phân tích.

Đồng quan điểm, nhận định về xu hướng thị trường tại diễn đàn "Tổng quan thị trường 6 tháng đầu năm và nhận định thị trường Bất động sản những tháng cuối năm" diễn ra ngày 18/8, ông Rich Nguyễn, giám đốc Rich Academy, giám đốc sáng lập và điều hành quỹ đầu tư bất động sản Rich Invest, cho biết thị trường 6 tháng cuối năm tiếp tục sẽ đi vào tình trạng trầm lắng. Nguyên nhân là những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, chính sách tiền tệ với việc siết chặt tín dụng vào bất động sản. Tăng trưởng tín dụng hiện nay đạt 9,34% đạt gần 2/3 kế hoạch đầu năm dẫn đến các ngân hàng siết chặt lại cho vay, ảnh hưởng tới nhiều ngành, trong đó có bất động sản.

"Thị trường trầm lắng là tín hiệu tốt cho những nhà đầu tư dài hơi. Thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc đi những nhà đầu tư không chuyên bị vỡ kế hoạch, gãy đòn bẩy tài chính", đại diện Rich Academy nhấn mạnh và khuyến nghị rằng không nên quá bi quan, những tháng cuối năm vẫn có những diễn biến tích cực tại những thị trường vẫn đảm bảo yếu tố cục bộ như: Hạ tầng, chính sách kinh tế, ảnh hưởng bởi một "ông lớn" bất động sản tới đầu tư. "Trước đây, trong cơn "cuồng nộ" bạn có thể mua đất rừng sản xuất Hòa Bình, đất rẫy ở Tây Nguyên, đồi cát ở Ninh Thuận… Nhưng thời gian tới những loại đất này sẽ ít được lựa chọn, khó thanh khoản", ông Rich Nguyễn khuyến cáo.

Cũng dự báo diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ tăng do chi phí tăng, thanh khoản sẽ giảm. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng thận trọng hơn trong đầu tư.

"Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường bất động sản có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra", ông Đính nhấn mạnh.