15:37 27/08/2008

Số ngân hàng Mỹ có nguy cơ phá sản tăng mạnh

Mai Phương

Số các ngân hàng của Mỹ có “vấn đề” đã tăng 30% trong quý 2 vừa qua, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây

Vụ phá sản của IndyMac có thể khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC phải chi ra số tiền lên tới 8,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó.
Vụ phá sản của IndyMac có thể khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC phải chi ra số tiền lên tới 8,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó.
Số các ngân hàng của Mỹ có “vấn đề” đã tăng 30% trong quý 2 vừa qua, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, do ngày càng có nhiều khoản vay bất động sản quá hạn.

Thông tin này vừa được Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) công bố.

Theo FDIC, bản danh sách “đen” này tính đến ngày 30/6 vừa qua đã bao gồm 117 ngân hàng, so với mức 90 ngân hàng ở thời điểm cuối quý 1. Các ngân hàng trong danh sách này có tổng tài sản 78,3 tỷ USD tính đến cuối quý 2, tăng gấp 3 lần so với mức 26,3 tỷ USD trong bản danh sách công bố hồi cuối quý 1.

Nhiều ngân hàng trong danh sách này có mức độ cho vay địa ốc cao, đặc biệt là các khoản cho vay các dự án xây dựng. Tuy nhiên, FDIC không công bố đích danh các ngân hàng này. Theo các quan chức của FDIC, bản danh sách này sẽ còn dài ra trong thời gian tới.

Từ đầu năm tới nay, đã có 9 ngân hàng thương mại ở Mỹ phá sản. Trong đó, đáng kể nhất là vụ phá sản của ngân hàng IndyMac. Được biết, vụ phá sản này có thể khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC phải chi ra số tiền lên tới 8,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó.

FDIC cho biết, các ngân hàng được tập đoàn này bảo hiểm đạt lợi nhuận ròng 4,96 tỷ USD trong quý 2, giảm 87% so với mức 36,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Số các khoản nợ quá hạn 90 ngày trở lên đã tăng 20% so với quý 1, từ mức 136 tỷ USD lên mức 162 tỷ USD. Trong số nợ quá hạn tăng thêm này, 90% là nợ vay trong lĩnh vực địa ốc.

Cũng trong quý 2 này, các ngân hàng thương mại thuộc diện bảo hiểm của FDIC đã tăng gấp hơn 4 lần quỹ dự phòng để bù đắp cho các khoản nợ không đòi được, lên tới 40,5 tỷ USD so với mức 11,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

FDIC là một cơ quan của Chính phủ Mỹ, bảo hiểm cho 8.451 ngân hàng thương mại ở Mỹ với tổng tài sản là 13.300 tỷ USD. Do phải giải quyết các vụ phá sản của các ngân hàng trong quý 2, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đã giảm 14% xuống còn 45,2 tỷ USD, từ mức 52,8 tỷ USD hồi quý 1.

Vì sự sụt giảm này, tỷ lệ dự trữ của FDIC - tức tỷ lệ giữa số tiền có trong quỹ bảo hiểm tiền gửi chia cho tổng số tiền gửi mà FDIC bảo hiểm - đã giảm xuống còn 1,01% so với mức 1,19% trong quý 1. Mà theo quy định, một khi tỷ lệ này giảm xuống 1,15% là FDIC phải lên kế hoạch làm đầy quỹ.

Việc đưa hay không đưa một ngân hàng vào danh sách này được FDIC dựa vào chất lượng tài sản, lợi nhuận, tính thanh khoản… của ngân hàng đó.

(Theo Reuters, Bloomberg)