09:36 17/09/2024

Tái chế rác thải thành hàng tiêu dùng

Minh Nguyệt

Từ mỹ phẩm, thực phẩm đến thời trang, đã xuất hiện một xu hướng sáng tạo mới lạ với rác thải hoặc khí thải. Các ý tưởng tái chế để tạo ra hàng hóa hữu ích ngày càng lôi cuốn các doanh nghiệp giữa kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu hiện nay…

Tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), nắp chai, bao bì thực phẩm, đồ dùng và đồ chơi bỏ đi… có thể được tái chế thành một cặp kính râm hợp thời trang.
Tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), nắp chai, bao bì thực phẩm, đồ dùng và đồ chơi bỏ đi… có thể được tái chế thành một cặp kính râm hợp thời trang.

Tính bền vững của sản phẩm được người tiêu dùng ngày càng ưu tiên trong thói quen mua sắm. Theo báo cáo thống kê của Online Library, 63% số người thuộc thế hệ Millennials sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm được tái chế hoặc có thể tái chế, 88% người tiêu dùng Gen Z muốn mua hàng từ một thương hiệu cam kết phát triển bền vững. Hãng tư vấn quản lý McKinsey cũng dự đoán, đến năm 2025, các tiêu chí bền vững sẽ chi phối đến 20 - 30% giao dịch mua sắm cao cấp.

NƯỚC HOA, QUẦN ÁO, THỰC PHẨM TỪ RÁC THẢI

Nhiều nhà sáng chế nước hoa tin rằng nguyên liệu tạo hương lôi cuốn là yếu tố tiên quyết đảm bảo thành công cho sản phẩm. Thế nhưng, với nhà hóa học Stafford Sheehan, Giám đốc doanh nghiệp Air Company, khí carbon cũng có thể chuyển đổi thành ethanol - thành phần sau đó sẽ được hòa trộn với tinh dầu và nước để sản xuất nước hoa. Dù mức giá còn tương đối cao, Air Eau de Parfum của Air Company vẫn ghi dấu ấn riêng nhờ thông điệp bảo vệ môi trường: mỗi 50ml sản phẩm sử dụng 3,6g khí CO2. Trên bao bì chai nước hoa là lời quảng bá đặc biệt: “Biến khí thải thành một vật phẩm đẹp đẽ”.

Dẫu lượng CO2 được thu giữ, chuyển đổi trong từng chai nước hoa bán lẻ tương đối ít ỏi nhưng nỗ lực góp gió thành bão của Air Company rất đáng ghi nhận. Họ đại diện cho trào lưu sản xuất bền vững bằng khí thải hoặc rác thải vốn đang được quan tâm ở nhiều lĩnh vực kinh doanh hiện nay. Phần lớn doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này có tuổi đời còn non trẻ. Song, chỉ trong vài năm trở lại đây, công nghệ khai thác CO2 đã thu hút số vốn nghiên cứu, phát triển lên đến 500 triệu USD từ các nhà đầu tư, tính đến năm 2022.

Cạnh tranh cùng Air Company là Tập đoàn LanzaTech Global (trụ sở tại Mỹ) - một trong những tên tuổi tiên phong về hoạt động tinh chế khí thải. Vải polyester tạo thành từ khí CO2 do doanh nghiệp này làm ra đã xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập hàng may mặc: đầm của hãng Zara (Tây Ban Nha), quần yoga H&M (Thụy Điển), quần áo thể thao từ nhà bán lẻ cao cấp Lululemon (Canada)... Đáng chú ý gần đây là dự án LanzaTech cộng tác cùng thương hiệu thời trang thể thao On (Thụy Sỹ). Đế của mẫu giày chạy bộ cao cấp Cloudprime sử dụng chất liệu làm từ khí thải carbon, thay vì nguyên liệu nguồn gốc dầu mỏ như truyền thống.

Biến khí thải thành một vật phẩm đẹp đẽ.
Biến khí thải thành một vật phẩm đẹp đẽ.

Ngay cả thực phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày cũng có thể khởi nguồn từ CO2 tái chế. Thoạt nhìn, Solein trông giống hệt nhiều dạng bột protein thông dụng. Với khả năng thay thế hoàn toàn bột mì, cung cấp hàm lượng dồi dào vitamin B, sắt và nhiều vi chất quý giá khác, 95% nguyên liệu làm ra Solein là không khí. Tiến sĩ Pasi Vainikka, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ thực phẩm Solar Foods (Phần Lan), chia sẻ: “Chúng tôi nuôi dưỡng một chủng vi sinh vật có lợi bằng phương pháp lên men khí ga. Thành phẩm sau cùng là một dạng bột vừa giàu dinh dưỡng, an toàn với môi trường, vừa thơm ngon, dễ chế biến”.

Trong khi đó, theo Nikkei, một số nhà máy tại Nhật Bản đang xử lý lượng lớn bảng mạch điện tử và nấu chảy rác thải để lấy vàng và một số kim loại khác. Đồng thời, một số thương hiệu trang sức cũng đang tận dụng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử này để thiết kế các sản phẩm độc đáo và bền vững với môi trường hơn. Công ty Royal Mint của hoàng gia Anh gần đây đã ra mắt dòng trang sức 866 của Royal Mint sử dụng vàng từ Công ty tái chế rác thải điện tử Excir và mua bạc được chiết xuất từ phim X-quang cũ của Công ty Betts Metals.

Biến rác thải thành phụ kiện thời trang cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang tận dụng. Chẳng hạn, nắp chai, bao bì thực phẩm, đồ dùng và đồ chơi bỏ đi… có thể được tái sử dụng trong một dự án làm mềm và đúc thành một cặp kính râm hợp thời trang trong vòng 2 giờ tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Ông Arthur Huang, nhà sáng lập Công ty Miniwiz, cho biết: “Chúng tôi muốn chứng minh quá trình tái chế có thể không tạo ra thêm dấu chân carbon hoặc không hề khó như mọi người nghĩ”. Công ty này cũng sản xuất gạch, móc treo và các nhu yếu phẩm hàng ngày từ rác thải nhựa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2024 phát hành ngày 16/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tái chế rác thải thành hàng tiêu dùng - Ảnh 1