08:37 18/05/2017

“Nợ xấu chủ yếu nằm ở doanh nghiệp lớn”

Nguyên Hà

“Số thống kê trong thời gian vừa qua mà tôi biết được thì nợ xấu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp”

 Ngân hàng Chính sách xã hội là nơi cho người nghèo, những người rất khó
 khăn, các đối tượng khó khăn trong xã hội thì tỷ lệ nợ xấu ở đó đều 
dưới 1,5%, là tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Ngân hàng Chính sách xã hội là nơi cho người nghèo, những người rất khó khăn, các đối tượng khó khăn trong xã hội thì tỷ lệ nợ xấu ở đó đều dưới 1,5%, là tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
“Số thống kê trong thời gian vừa qua mà tôi biết được thì nợ xấu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Cho nên không thể nói là đẩy mạnh cho vay khu vực này thì có thể làm phát sinh nợ xấu và rủi ro cho ngân hàng”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trước quan ngại của dư luận về mối quan hệ được cho là có mâu thuẫn nhau về mục tiêu, khi mà Chính phủ vừa muốn doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn, vừa muốn hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu cho các ngân hàng.

Trả lời báo giới tại cuộc họp báo sau sự kiện Thủ tướng gặp doanh nghiệp vào chiều 17/5, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho hay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ nợ xấu cho vay đúng đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và những đối tượng nông nghiệp, nông dân và nông thôn là đối tượng theo chức năng, tôn chỉ mục đích của ngân hàng này. Nợ xấu lúc nặng nhất là dưới 2% và sau đó xuống dưới 1,5%, còn phần nợ trên 6 - 7% nằm ở thành phố lớn và doanh nghiệp lớn.

Theo số liệu mới nhất, Ngân hàng Chính sách Xã hội là nơi cho người nghèo, những người rất khó khăn, các đối tượng khó khăn trong xã hội thì tỷ lệ nợ xấu ở đó đều dưới 1,5%, là tỷ lệ nợ xấu rất thấp.

“Nói vậy để chúng ta đừng hiểu lầm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay nhiều thì dẫn đến nợ xấu. Còn đương nhiên ngân hàng sẽ có những quản lý theo chuẩn mực của ngân hàng”, ông Đông nói.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn không phải tiếp cận nguồn vốn của tín dụng đen thì phải vươn lên để đáp ứng một số chuẩn, yêu cầu của ngân hàng, chuẩn tối thiểu về an ninh tài chính, an ninh tín dụng.

Ở góc độ đó, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra các chương trình Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, quản lý sổ sách, tài chính… để đạt được chuẩn khi họ đi vay vốn.

“Bằng cách đấy chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu an ninh trong hệ thống tín dụng”, Thứ trưởng Đông nhìn nhận.

Trao đổi thêm về nội dung này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, việc tăng cho vay khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hạn chế nợ xấu không có gì là ngược.

Đây là việc hết sức đồng thuận, chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức hay không chính thức là nhu cầu hết sức cấp bách.

Theo ông Tú, giảm chi phí để tiếp cận vốn có thể bằng nhiều hình thức nhưng có một việc thiết yếu là làm thế nào giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở các ngân hàng tiết kiệm chi phí hợp lý.

Việc giảm chi phí này của các ngân hàng thương mại nhiều năm qua đã rất tích cực, thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí cũng như lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở tiết kiệm chi phí một cách hợp lý.

Còn việc giảm chi phí của các ngân hàng thương mại nằm trong chương trình chung của nhiều năm qua và các ngân hàng thương mại cũng đã rất tích cực thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí, đặc biệt là lãi suất cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo ông Tú, việc giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi phải giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có rất nhiều biện pháp chứ không phải chỉ là giảm chi phí. Tất nhiên các ngân hàng thương mại tạo được nhiều thuận lợi, tạo được nhiều nguồn thu để giảm nợ xấu cũng như rủi ro của mình.

“Đó cũng là những yêu cầu đặt ra đối với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các ngân hàng thương mại để thực hiện được mục tiêu giảm rủi ro, phải tăng dự phòng chống rủi ro với nhiều biện pháp, nhiều nội dung”, Phó thống đốc nói.