Tài sản của giới siêu giàu toàn cầu tăng 42 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua
Tài sản ròng của nhóm 1% giàu nhất tăng bình quân gần 400.000 USD/người, trong khi mức tăng của nhóm 50% nghèo nhất là 335 USD/người...
Thập kỷ qua chứng kiến sự tăng trưởng tài sản ấn tượng của giới siêu giàu toàn cầu. Theo một phân tích mới của tổ chức Oxfam International, tổng giá trị tài sản của nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 42 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua. Con số này nhiều gấp gần 35 lần so với mức tăng của nhóm 50% nghèo nhất trên thế giới.
Được công bố nhân dịp diễn ra cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc G20 tại Brazil tuần này, báo cáo cho biết tài sản ròng của nhóm siêu giàu tăng bình quân gần 400.000 USD/người, trong khi mức tăng của nhóm 50% nghèo nhất tăng 335 USD/người. Các con số này đã được điều chỉnh theo lạm phát.
“Sự bất bình đẳng đã đạt đến mức độ gây chấn động. Và cho đến nay, các chính phủ vẫn chưa làm được nhiều để bảo vệ người dân trước những tác động đáng sợ của sự bất bình đẳng này”, ông Max Lawson, giám đốc phụ trách chính sách về bất bình đẳng của Oxfam International, nhận xét. “Nhóm 1% giàu nhất đang tiếp tục lấp đầy ví tiền của mình, trong khi phần còn lại phải vật lộn với cuộc sống”.
Các nước G20 là nơi chiếm gần 80% số lượng tỷ phú toàn cầu. Tuy nhiên, theo tính toán của Oxfam, tại các nước này, trong mỗi USD tiền thuế thu có chưa tới 8 cent là thuế tài sản.
Oxfam thường xuyên công bố các báo cáo với trọng tâm là sự bất bình đẳng toàn cầu và kêu gọi các chính phủ hành động để thay đổi. Các phân tích mới nhất được đưa ra trong bối cảnh tổ chức này cùng một số đối tác đang kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tăng thuế với nhóm người siêu giàu. G20 là nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo hãng tin CNN, giữ vai trò chủ tịch G20 năm nay, chính phủ Brazil gần đây đã ủy quyền cho một bên thứ 3 thực hiện nghiên cứu về việc tăng thuế với người giàu. Báo cáo này do nhà kinh tế người pháp Gabriel Zucman, cũng là một chuyên gia về bất bình đẳng, thực thiện. Theo báo cáo, việc áp mức thuế tối thiểu 2% với tài sản khoảng 3.000 tỷ phú trên thế giới có thể mang về khoảng 200-250 tỷ USD mỗi năm.
Theo tổ chức EU Tax Observatory do ông Zucman điều hành, tại các nước phát triển, nhóm 1% giàu nhất đóng góp tỷ trọng thuế thu nhập thấp hơn nhiều so với các nhóm thu nhập thấp hơn. Ngoài ra, mức thuế thực tế với tài sản của họ chỉ là 0-0,5%. Theo Oxfarm, tài sản của nhóm siêu giàu tăng 7,1% trong 4 thập kỷ qua, do đó mức thuế suất với tài sản ròng của nhóm này hàng năm phải là ít nhất 8%.
Các nước G20 là nơi chiếm gần 80% số lượng tỷ phú toàn cầu. Tuy nhiên, theo tính toán của Oxfam, tại các nước này, trong mỗi USD tiền thuế thu có chưa tới 8 cent là thuế tài sản.
“Không thể phủ nhận sự cần thiết của việc phải tăng thuế với người siêu giàu. Và cuộc họp tuần này là một phép thử thực tế đầu tiên của các chính phủ G20. Liệu họ có đủ ý chí chính trị để khởi xướng một tiêu chuẩn toàn cầu mà có thể đặt lợi ích của số đông lên trên nhóm thượng lưu chiếm thiểu số”, ông Lawson nói.
Đầu năm nay, quan chức tài chính của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã khởi động các cuộc thảo luận về việc đưa ra một mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú. Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận trong nhóm G20 không phải điều dễ dàng và có thể tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc thực thi loại thuế này cũng được đánh giá là tương đối phức tạp.