Tạm giữ hình sự đối tượng sản xuất hơn 1.200 sản phẩm phụ gia thực phẩm Baking Soda giả nhãn hiệu
Công an Hà Nội đã quyết định ban hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với bà Bùi Thị Mến, chủ sở hữu lô hàng Baking Soda giả nhãn hiệu để điều tra, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả, để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật...
Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, vừa qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ 1.200 sản phẩm phụ gia thực phẩm Baking Soda giả nhãn hiệu đã bảo hộ tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 1/6, qua kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29D.223.82 đang dừng đỗ tại khu đô thị An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện trên xe này có 50 thùng cát tông, bên trong chứa 1.200 sản phẩm phụ gia thực phẩm Baking Soda (loại 454 gram), mang nhãn hiệu “Arm & Hammer” của Công ty Church & Dwight (Hoa Kỳ) đang được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Lái xe không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp của lô hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam - đại diện chủ sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Công ty Church & Dwight (Hoa Kỳ) xác định, số sản phẩm này là hàng giả.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định số hàng hóa trên là của cơ sở kinh doanh “Tổng kho An Hưng”, địa chỉ liền kề 6-26, khu đô thị An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), do bà Bùi Thị Mến, sinh năm 1987, trú tại phường Dương Nội làm chủ.
Đấu tranh mở rộng, lực lượng chức năng đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại 2 địa chỉ: thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội) và Tổ 17 Bắc Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội) và tiếp tục thu giữ thêm 215 sản phẩm phụ gia thực phẩm Baking Soda loại 454 gram, nhãn hiệu “Arm & Hammer” bị làm giả.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan công an Hà Nội quyết định ban hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với bà Bùi Thị Mến để điều tra, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả, để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện hành, Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm khoảng 400 chất (cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ từ 5 - 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hiện phụ gia thực phẩm trôi nổi, nhập lậu, không rõ nguồn gốc là một trong các yếu tố gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng. Các sản phẩm này được dùng ở các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ nên lực lượng chức năng không thể thống kê, kiểm soát được.
Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thay vì sử dụng phụ gia dùng trong thực phẩm, đã sử dụng phụ gia công nghiệp như phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại để giảm chi phí nên gây một tác hại lớn tới người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng phụ gia thực phẩm loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã qua kiểm định của Bộ Y tế để tránh gây ra những hậu quả không đáng có.