10:39 05/06/2023

Tận dụng dư địa tài khoá, dồn lực kích thích kinh tế

Ánh Tuyết

Trong 5 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế đình trệ khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm 6%, trong khi chi ngân sách tăng 10,9%. Các chuyên gia cho rằng, cần mở nhanh các nút thắt, tận dụng dư địa tài khoán để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh khu vực tư nhân đang bị thu hẹp...

Tính hết tháng 5, ngân sách nhà nước vẫn duy trì thặng dư 116,5 nghìn tỷ đồng. Để giảm lệch pha thu chi, ngành tài chính đang rốt ráo tìm phương án chống thất thu.
Tính hết tháng 5, ngân sách nhà nước vẫn duy trì thặng dư 116,5 nghìn tỷ đồng. Để giảm lệch pha thu chi, ngành tài chính đang rốt ráo tìm phương án chống thất thu.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cả nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước giảm 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước tăng 10,9% nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

THÁCH THỨC CÂN ĐỐI THU CHI NGÂN SÁCH

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, sụt giảm trên 35 nghìn tỷ đồng so với báo cáo cuối tháng trước. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa tháng 5 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 638,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô tháng 5 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 61% dự toán năm và giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Riêng thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 18,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 105,3 nghìn tỷ đồng, đạt 44% dự toán năm và giảm 20% so với cùng kỳ.

Tận dụng dư địa tài khoá, dồn lực kích thích kinh tế - Ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực, khó dự báo từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, thế giới chưa ra khỏi vòng xoáy của lạm phát, biến động tiêu cực của thị trường ngoại hối, các đồng tiền biến động mạnh, dòng chảy thương mại bế tắc, nhiều đối tác chủ lực sụt giảm…; ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, dù cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 9,8 tỷ USD, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn trong xu hướng sụt giảm kéo dài, giảm 14,7% so với cùng kỳ, với giá trị ước đạt 262,54 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu giảm 11,6%, nhập khẩu giảm 17,9%, tiếp tục gây áp lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách do ngành hải quan quản lý.

Đến hết quý 1/2023, các đối tác chính của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Điều này cho thấy rõ ràng, Việt Nam tiếp tục đối diện với áp lực ngày càng gia tăng từ bên ngoài, nhất là cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và nhiều lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất… gây nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm, tạo áp lực lớn đến tiến độ thu ngân sách những tháng tới.

 

Đặc biệt, năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, các chính sách giảm thuế tiếp tục được nghiên cứu ban hành với quy mô lớn cũng gây sức ép đến tiến độ thu ngân sách nhà nước.

Do đó, để giảm lệch pha thu chi, ngành tài chính đang rốt ráo tìm phương án chống thất thu những lĩnh vực còn tiềm năng và chống gian lận thuế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh về chi ngân sách nhà nước những tháng đầu năm.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chi ngân sách nhà nước tháng 5 nhích tăng gần 17 nghìn tỷ đồng so sánh với báo cáo cuối tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, chi thường xuyên 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ; chi trả nợ lãi 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% và giảm 1,3%. Riêng chi đầu tư phát triển đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% và tăng 35,5%.

Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, tính hết tháng 5, ngân sách nhà nước vẫn duy trì thặng dư 116,5 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 5 được các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tận dụng dư địa tài khoá, dồn lực kích thích kinh tế - Ảnh 2

Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 30,2% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 143,4 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ.

CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ LÀ ĐIỂM TỰA

Theo nhìn nhận của giới phân tích, việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 vẫn chậm và xảy ra tình trạng trên nóng, dưới lạnh, sẽ vô cùng lãng phí. Bởi công trình chậm đưa vào sử dụng, không thể biến thành lực đẩy thúc đẩy tăng trưởng, hay hàng triệu tỷ ngân quỹ tồn dư, trong đó, một khoản lớn dành cho đầu tư công để ở ngân hàng lãi suất thấp, trong khi Nhà nước vẫn phải trả nợ, lãi với các nguồn vốn đi vay.

Chia sẻ gần đây, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận còn nhiều nút thắt khiến tình trạng đầu tư công giải ngân không nhanh mặc dù đã thúc đẩy mạnh; hay chương trình phục hồi tới thời điểm này chưa giải ngân được nhiều, vẫn vướng vào những cơ chế chính sách. Do đó, cần gỡ vướng về thể chế chính sách để giải phóng nguồn lực, tăng nội lực của nền kinh tế.

Dù hiện nguồn thu ngân sách nhà nước đang trong xu hướng sụt giảm vì bối cảnh khó khăn, nhất là khi thực hiện miễn, giãn, hoãn các khoản thu, tuy nhiên, GS.TS. Hoàng Văn Cường lạc quan cho rằng thực tế hai năm qua, năm 2021 và 2022, thu đều vượt dự báo rất nhiều, thể hiện ở chỗ ngành tài chính tranh thủ cơ hội để khai thác được nguồn thu, bù đắp cho phần giãn, hoãn, chậm nộp của doanh nghiệp.

Chính do làm tốt nguồn thu, mức bội chi thấp hơn Chính phủ giao, nợ công giảm xuống rất thấp, trước đây có thời kỳ trên 50% nhưng nếu tính theo GDP mới, năm 2021 xuống 42% và 2022 chỉ còn hơn 38%. Đây là dư địa rất tốt để tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tận dụng dư địa tài khoá, dồn lực kích thích kinh tế - Ảnh 3