10:12 26/09/2023

Tăng trưởng GDP quý 3/2023 dự kiến đạt 5,6%

Anh Nhi

Sau hai tháng 7 và 8/2023 kinh tế tốt hơn, GDP quý 3/2023 dự kiến sẽ tăng 5,6% so với cùng kỳ và bật tăng lên 7,6% trong quý 4/2023…

Tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Trước thời điểm Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, Ngân hàng UOB của Singapore đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế quý 4/2023. Trong báo cáo này, UOB đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP quý 3/2023 là 5,6% so với cùng kỳ.

Dù con số này cao hơn đáng kể so với hai quý đầu năm song theo UOB, động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong quý 3/2023 vẫn chậm.

TĂNG TRƯỞNG VẪN THÁCH THỨC

Cụ thể, theo UOB, sau khi bắt đầu năm 2023 với tốc độ khá chậm, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 1/2023 đã giảm xuống 3,28% so với cùng kỳ, từ mức 5,92% trong quý 4/2022, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa phục hồi mạnh, phần lớn là do nhu cầu bên ngoài suy yếu cùng với lĩnh vực sản xuất chưa thực sự khởi sắc. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2023 chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ, đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế là 3,72% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 6,46% trong nửa đầu năm 2022 cũng như mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%.

Nhìn xa hơn vào những kết quả này, UOB cho rằng triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8 năm 2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50) và mức thấp nhất (45,3 vào tháng 5) kể từ tháng 9 năm 2021 và là quốc gia có chỉ số kém nhất ở châu Á vào thời điểm đó. Tuy nhiên, PMI của Việt Nam đã kém hơn PMI chung của khu vực ASEAN trong tháng thứ 12 liên tiếp.

Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023:  giảm 8,5% so với cùng kỳ) trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp (tháng 8 năm 2023: giảm 5,8% so với cùng kỳ). Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu), đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua (tháng 8 năm 2023: giảm 9,4%).

Ngược lại với khu vực được thúc đẩy từ bên ngoài, UOB nhận định nhu cầu trong nước tương đối lạc quan hơn. Doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt trong năm qua, với tổng thương mại bán lẻ cho thấy mức tăng 10% so với cùng kỳ vào tháng 8 năm 2023, f hỗ trợ bởi mức tăng hai chữ số trong chi tiêu và hoạt động liên quan đến du lịch. Lượng khách du lịch đến đã tăng tốc trong năm, đạt hơn 7,8 triệu lượt khách du lịch so với đầu năm vào tháng 8, điều đó có nghĩa là vào cuối năm 2023, lượng khách đến có thể phục hồi ít nhất 2/3 mức được ghi nhận vào năm 2019.

Tăng trưởng GDP quý 3/2023 dự kiến đạt 5,6% - Ảnh 1

Tuy nhiên, với việc lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, dữ liệu được công bố cho đến nay cho thấy tăng trưởng GDP thực tế trong quý 3 năm 2023 có thể sẽ chưa thể mang lại sự lạc quan mạnh mẽ.

“Theo đó, UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm là 5,2% cho năm 2023 và 6,0% cho năm 2024. Trong đó, dự kiến mức tăng trưởng GDP quý 3/2023 đạt 5,6% so với cùng kỳ và 7,6% trong quý 4 năm 23. Điều này hàm ý mức tăng trưởng khoảng 6,6% trong nửa cuối năm 2023. Ngược lại, để đáp ứng dự báo chính thức là 6,5% cho năm 2023 và với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023 chỉ là 3,72%, tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ phải đạt trung bình hơn 9,2% so với cùng kỳ, đây là một thách thức rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại”, báo cáo nhận định.

ĐỐI MẶT VỚI RỦI RO

Về các các yếu tố rủi ro, UOB cho rằng cần phải theo dõi sát sao các yếu tố như xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đối với giá năng lượng, lương thực và hàng hóa; sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Về mặt lạm phát, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và cơ bản của Việt Nam đều có xu hướng thấp hơn mục tiêu chính thức là 4,5%. Tuy nhiên, sự phục hồi trong 2 tháng của chỉ số CPI toàn phần sau xu hướng giảm kéo dài 6 tháng (tháng 8: tăng 2,96% so với cùng kỳ) cho thấy áp lực tăng giá vẫn là mối lo ngại, đặc biệt là với những đợt tăng giá dầu thô gần đây. Từ đầu năm cho đến tháng 8, lạm phát toàn phần của Việt Nam tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức 2,6% của cùng kỳ năm 2022.

“Trong cả năm, chúng tôi nhận thấy áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ có rủi ro gia tăng”, UOB dự báo.

Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tích lũy 150 điểm cơ bản vào tháng 6 năm 2023, xuống còn 4,50%. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng ngân hàng sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), nhưng thời gian được chuyển sang quý 4/2023 để cân bằng giữa tăng trưởng và áp lực lạm phát.

Cùng với đó, sau khi ổn định quanh mức 23.500 trong phần lớn nửa đầu năm 2023, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh trong quý 3/2023, bắt kịp các biến động của tỷ giá USD/CNY và giao dịch lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay là gần 24.400. Theo UOB, sự giảm giá của VNĐ phản ánh thực tế diễn biến kinh tế Việt Nam và xu hướng nới lỏng tiền tệ của Cơ quan quản lý.

Với diễn biến này, ngân hàng của Singapore vẫn duy trì quan điểm đồng VNĐ sẽ diễn biến theo sát biến động của các đồng tiền Châu Á, với tỷ giá USD/ VNĐ duy trì ở mức cao trong quý 4/2023 trước khi giảm xuống mức thấp hơn bắt đầu từ quý 1 năm 2024.

“Dự báo USD/ VNĐ cập nhật của chúng tôi là 24.500 trong quý 4/2023, 24.000 trong quý 1/2024, 23.800 trong quý 2/2024 và 23.600 trong quý 3/2024”, UOB cho biết.