12:24 08/08/2013

Tăng trưởng tín dụng 7 tháng: Tâm điểm “tam nông”

Nguyễn Hoài

Cơ cấu kỳ hạn tiền gửi trung dài hạn đang dần chèn lấn kỳ hạn ngắn

Tỷ trọng tín dụng khu vực “tam nông” trong 7 tháng chiếm tới 22,91%, nếu cộng cả các 
chương trình tín dụng chính sách; số dư tuyệt đối là 621.584 tỷ đồng, 
tốc độ tăng đạt 10,69% so với 31/12/2012.
Tỷ trọng tín dụng khu vực “tam nông” trong 7 tháng chiếm tới 22,91%, nếu cộng cả các chương trình tín dụng chính sách; số dư tuyệt đối là 621.584 tỷ đồng, tốc độ tăng đạt 10,69% so với 31/12/2012.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/7/2013, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 5,15% so với thời điểm 31/12/2012. Đáng lưu ý, “miếng bánh” tín dụng tam nông đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các ngành, lĩnh vực khác.

Từ vay mượn, sang mua bán

Ngày 7/8, qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết cấu trúc tín dụng về kỳ hạn, loại tiền, ngành và lĩnh vực đang có xu hướng bền vững hơn so với vài năm về trước.

Cụ thể, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn chiếm 54,44%, trung và dài hạn chiếm 45,56%, trong khi tỷ lệ này từ năm 2011 về trước xấp xỉ 70% và 30% - 35% (tùy thời điểm).

Điều này cho thấy, cơ cấu kỳ hạn tiền gửi trung dài hạn đang dần chèn lấn kỳ hạn ngắn, và có vẻ như niềm tin về ổn định lạm phát đang rõ nét hơn.

Xét về loại tiền, đối với tín dụng ngắn hạn, trong khi tín dụng VND tăng 7,46% thì tín dụng ngoại tệ lại giảm 13,05%; còn với tín dụng trung dài hạn, tín dụng VND tăng 10,27%, tín dụng ngoại tệ giảm 8,72%, trái ngược hoàn toàn với vài năm về trước.

Như vậy, xu hướng tăng trưởng tín dụng nội tệ đang dần lấn lướt tín dụng ngoại tệ, và điều này được hiểu là quan hệ ngoại tệ trong nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh từ vay mượn sang mua bán.

Ngoài ra, xét về ngành - lĩnh vực, một điểm đáng lưu ý là tỷ trọng tín dụng khu vực “tam nông” chiếm tới 22,91%, nếu cộng cả các chương trình tín dụng chính sách; số dư tuyệt đối là 621.584 tỷ đồng, tốc độ tăng đạt 10,69% so với 31/12/2012.

Ông Mạnh cho biết thêm: “Kết quả trên phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc hướng dòng vốn đi vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Theo ông Mạnh, kể từ năm 2010, sau khi ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng “tam nông”, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều văn bản để hướng tín dụng vào lĩnh vực tam nông.

Chẳng hạn, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch với nông thủy sản; giảm lãi vay xuất khẩu gạo từ 10%/năm xuống 9%/năm (4/7/2013); gia hạn các khoản vay mua tạm trữ thóc gạo vụ đông xuân (24/6/2013); cho phép ngân hàng thương mại kéo dài thời gian cho vay tạm trữ thóc gạo hè thu 2013 đến hết 15/8/2013; chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn giảm lãi suất tiền vay với nợ cũ, giãn nợ tối đa 24 tháng, cho vay nợ mới lãi suất 9%/năm đối với khách hàng là hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra và tôm xuất khẩu...

Đặc biệt, từ đầu năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 và 02, Ngân hàng Nhà nước đã xác định lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là những trụ cột chính trong chính sách tín dụng nên đã có những điều chỉnh tương đối đột phá. Chẳng hạn, giảm lãi tiền vay 2% - 3%, đưa về mức phổ biến 9%/năm đối với tam nông và xuất khẩu, kể từ đầu năm đến nay.

Thống đốc gỡ vướng

Liên tục từ đầu năm 2013 đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tổ chức hàng chục chuyến công tác khảo sát đến các địa phương, nơi tập trung nhiều vùng chuyên canh rộng lớn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực khó khăn như duyên hải miền Trung và Tây Bắc.

Gần nhất, trong tuần cuối của tháng 7/2013, Thống đốc cũng dẫn đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X.

Nổi lên tại các chuyến tiếp xúc nói trên là những khó khăn như lãi vay còn cao, điều kiện tiếp cận khoản vay ngặt nghèo, doanh nghiệp và hộ vay bị kẹt tài sản bảo đảm ở ngân hàng do chưa tất toán nợ... và thậm chí là những vướng mắc do cơ chế chính sách liên ngành.

Cụ thể, theo Quyết định 63, 65 của Chính phủ, nếu nông dân mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì mới được ngân hàng cấp khoản vay. Tuy nhiên, do máy móc nội địa chất lượng không đảm bảo, nông dân không muốn vay nên mặc dù nhiều năm triển khai nhưng đến nay, dư nợ cho vay đối với hạng mục này của toàn hệ thống mới chỉ dăm trăm tỷ đồng! Một con số quá ít ỏi so với tầm vóc vĩ mô của một chính sách cho hàng triệu nông dân.

Thứ hai, theo quy chế ở một số ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn như Agribank chẳng hạn, nếu chi nhánh có nợ xấu từ 5% trở lên thì không được tăng dư nợ tín dụng và có thể bị lỗ nặng.

Thực tế này diễn ra nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi mà các hộ nuôi cá tra, ba sa, tôm hết sức khó khăn do cung vượt cầu, đầu ra chậm, thiếu nợ nên bị ngân hàng phong tỏa tài sản. Từ đó, nợ xấu ở các chi nhánh ngân hàng tăng và phạm vào quy chế nội bộ do hội sở ban hành.

Thứ ba, nhiều năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà với lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, vì vậy, mỗi khi thị trường gặp khó khăn, ngân hàng lập tức ngưng vốn mà lĩnh vực nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là một ví dụ.

Trước thực tế nêu trên, Thống đốc Bình cho rằng, để tháo gỡ tỷ lệ nội địa máy móc 60% theo quyết định 63, 65, các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần khẩn trương điều chỉnh lại quy định này để tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Với việc một số chi nhánh Agribank không được tăng tín dụng, ông Bình cho biết sẽ chỉ đạo Agribank nghiên cứu lại quy chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn hoạt động cho các chi nhánh.

Riêng với vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, Thống đốc nói: “Muốn duy trì sản xuất nông nghiệp thì phải có bảo hiểm. Nuôi tôm bị rủi ro thì người nuôi, nền kinh tế đều bị thiệt nhưng nếu có bảo hiểm thì mất mát giảm đi mà vẫn duy trì được sản xuất”. Theo đó, Nhà nước nên cấp bù đối với bảo hiểm nông nghiệp vì khi đó, ngân hàng mới sẵn sàng cho vay để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.