Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em thời giam qua tiếp tục được tăng cường…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thời gian qua, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các bộ ngành, địa phương về công tác trẻ em năm 2023, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quy chế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an về phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thu thập thông tin về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em.
Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được tăng cường.
Thống kê trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến (giảm 85.953 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 950 lượt tiếp nhận qua App và Zalo (giảm 7.261 lượt so với cùng kỳ năm 2022 ), trong đó có 15.991 cuộc gọi tư vấn (giảm 7.085 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 845 ca can thiệp hỗ trợ (giảm 455 ca so với cùng kỳ năm 2022).
Việc huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được đẩy mạnh. Trong 8 tháng năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được trên 17,851 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 48.221 lượt trẻ em với kinh phí trên 26,06 tỷ đồng.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 57%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu.
HỖ TRỢ, CAN THIỆP KỊP THỜI ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan tới trẻ em, như Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý và các Nghị định, Thông tư liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM Lương Thị Thuận nhấn mạnh, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em, lợi ích của các em phải được quan tâm hàng đầu.
Theo bà Lương Thị Thuận, trong tình hình diễn biến xã hội hiện nay, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em càng cần chú trọng hơn, nhất là ở các thành phố, là nơi tập trung đông trẻ em, đặc biệt là trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn dễ có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, đạo đức…
Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Trước đó, trong hướng dẫn nhiệm vụ về công tác trẻ em năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương, đơn vị cần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; trợ giúp, hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại hại, chăm sóc thay thế, ưu tiên chăm sóc thay thế tại môi trường gia đình cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Song song đó, cần triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình đã được hỗ trợ từ nguồn lực trung ương và viện trợ quốc tế, tập trung các mô hình: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; mạng lưới kết nối chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời và các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em…
Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em, các vấn đề của trẻ em. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.