15:42 05/07/2023

Tập đoàn Kering có thương vụ mua lại đầu tiên liên quan đến ngành làm đẹp

Băng Hảo

Tập đoàn đối thủ của LVMH từng thông báo hồi tháng 2/2023 rằng sẽ mở một ngành hàng gọi là Kering Beauté. Bộ phận này trực tiếp quản lý kinh doanh các thương hiệu làm đẹp của tập đoàn, thay vì cấp phép nước hoa và mỹ phẩm cho các nhà phân phối bên ngoài…

Ảnh: Mint Lounge
Ảnh: Mint Lounge

Từ khi thành lập cho đến nay, Kering Beauté chủ yếu phát triển các danh mục mỹ phẩm cho những thương hiệu sẵn có của tập đoàn, bao gồm Bottega Veneta, Balenciaga, Alexander McQueen, Pomellato và Qeelin. Nhưng mới đây, Kering Beauté cho biết họ đã là chủ sở hữu mới của hãng nước hoa cao cấp lâu đời Creed, tín hiệu cho thấy nỗ lực của tập đoàn này trong việc phát triển mảng làm đẹp.

Theo Vogue Business, Kering sẽ mua lại 100% cổ phần của Creed từ các quỹ do Blackrock Long Term Private Capital và chủ tịch hiện tại Javier Ferrán kiểm soát. Các điều khoản của thỏa thuận không được tiết lộ. Giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt dự kiến sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2023, tùy thuộc vào sự cho phép của các cơ quan có liên quan.

Được thành lập vào năm 1760 bởi James Henry Creed, nhà chế tạo nước hoa sang trọng này được biết đến với việc khai thác các mùi hương tự nhiên, độc đáo và tinh vi, chẳng hạn như các dòng sản phẩm chuyên phục vụ các gia đình hoàng gia châu Âu. Năm 2020, gia đình Creed đã bán công ty cho quỹ vốn riêng dài hạn của BlackRock (LTPC). Olivier Creed, chủ sở hữu thế hệ thứ sáu của công ty, vẫn là nhà chế tạo nước hoa bậc thầy cho thương hiệu. Con trai của ông là Erwin Creed, cũng tham gia vào công việc kinh doanh.

Kering Beauté là chủ sở hữu mới của hãng nước hoa cao cấp lâu đời Creed.
Kering Beauté là chủ sở hữu mới của hãng nước hoa cao cấp lâu đời Creed.

Thương vụ mua lại này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi tập đoàn xa xỉ của Pháp thành lập bộ phận làm đẹp, và diễn ra khi phân khúc nước hoa cao cấp báo cáo mức tăng trưởng và lợi nhuận cao. Trong tuyên bố của mình, Kering gọi thỏa thuận này là một “bước tiến quan trọng” đối với Kering Beauté. “Việc mua lại Creed thể hiện sáng kiến chiến lược đầu tiên của Kering Beauté và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc phát triển vị thế vững chắc trong phân khúc làm đẹp cao cấp”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Kering François-Henri Pinault cho biết.

“Creed có một vị trí độc nhất trên thị trường nước hoa. Chúng tôi có cơ sở hợp lý để mua lại thương hiệu và nhận thấy lợi ích chiến lược chung về chuyên môn, mạng lưới và dấu ấn về mặt địa lý”, Giám đốc điều hành Kering Beauté Raffaella Cornaggia cho biết trong một tuyên bố. Cựu giám đốc điều hành của Estée Lauder này đã được bổ nhiệm vào tháng 2 để lãnh đạo quá trình thâm nhập vào lĩnh vực làm đẹp của tập đoàn này.

Với ngành hàng làm đẹp, Kering đã tham gia vào một thị trường cạnh tranh cao, bị chi phối bởi những thương hiệu làm đẹp nổi tiếng như L'Oréal, Estée Lauder Companies và Coty; cũng như các dịch vụ nội bộ từ các tập đoàn xa xỉ LVMH, Chanel và Hermès. Năm ngoái, Kering được cho là đã tham gia vào cuộc đua đàm phán để mua lại Tom Ford, điều mà các nhà phân tích quan sát thấy có thể giúp tập đoàn khởi động hoạt động kinh doanh sản phẩm làm đẹp nội bộ của mình. Cuối cùng, Estée Lauder Companies mới là công ty đã thành công mua lại Tom Ford trong một thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD.

Tập đoàn Kering có thương vụ mua lại đầu tiên liên quan đến ngành làm đẹp - Ảnh 1
Tập đoàn Kering có thương vụ mua lại đầu tiên liên quan đến ngành làm đẹp - Ảnh 2
 
Tập đoàn Kering có thương vụ mua lại đầu tiên liên quan đến ngành làm đẹp - Ảnh 3
Tập đoàn Kering có thương vụ mua lại đầu tiên liên quan đến ngành làm đẹp - Ảnh 4
 

Kering Beauté hiện có kế hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng của Creed trên các thị trường, kênh quảng bá và các đất nước mới, đặc biệt là thông qua việc tăng tốc phát triển ở Trung Quốc và kênh bán lẻ du lịch, cũng như mở rộng hơn nữa ở mảng nước hoa nữ, sản phẩm cho cơ thể và sản phẩm dùng cho nhà ở. Trong khi đó, Kering Beauté sẽ có quyền truy cập vào mạng lưới phân phối toàn cầu của Creed, thương hiệu sẽ cung cấp cho tập đoàn xa xỉ này quy mô, hồ sơ tài chính và nền tảng cần thiết để hỗ trợ sự phát triển trong tương lai của các dòng nước hoa mới và các chuỗi cửa hàng, báo cáo cho biết.

Creed hiện đang điều hành 36 cửa hàng chính thức của thương hiệu và phân phối sản phẩm qua 1.400 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp này đã mang lại mức tăng trưởng hai con số và tỷ suất lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao rất cao, trong khi “lợi nhuận không bao giờ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc giá trị thương hiệu”, theo một thông cáo từ Kering. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2023, Creed đã tạo ra doanh thu hơn 250 triệu euro.

Các nhà phân tích tỏ ra lạc quan về dự án làm đẹp của Kering. “Làm đẹp là một ngành kinh doanh tuyệt vời vì cho phép bạn có mức giá khởi điểm mà không làm giảm hình ảnh thương hiệu”. Mario Ortelli, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược hàng xa xỉ Ortelli & Co cho biết: “Tôi tin rằng Kering Beauté sẽ rất thành công vì tập đoàn này có một lượng khách hàng ổn định ở các thương hiệu rất được ưa chuộng, có thể tạo thuận lợi cho mảng kinh doanh làm đẹp”.

Creed hiện đang điều hành 36 cửa hàng chính thức của thương hiệu và phân phối sản phẩm qua 1.400 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu.
Creed hiện đang điều hành 36 cửa hàng chính thức của thương hiệu và phân phối sản phẩm qua 1.400 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu.

Đặc biệt, doanh số bán nước hoa cao cấp trên toàn cầu bắt đầu tăng trong thời gian dịch bệnh và còn tăng mạnh hơn hậu đại dịch. Theo Bloomberg, nhu cầu với mặt hàng này vẫn được duy trì, ít nhất đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các mặt hàng xa xỉ khác đã chậm lại, phần nào do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu. "Ban đầu, chúng tôi nghĩ đây chỉ là do nhu cầu bị dồn nén, nhưng nó vẫn tiếp tục tăng trưởng 3 năm qua", Michel Atwood, Giám đốc tài chính Inter Parfums, công ty sản xuất và phân phối nước hoa cho các thương hiệu như Oscar de la Renta, MCM và Donna Karan cho biết.

Theo dữ liệu từ NPD Group, doanh số nước hoa cao cấp tại Mỹ trong năm 2022 đã tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số tăng không chỉ nhờ giá sản phẩm cao hơn mà số lượng chai nước hoa được bán ra cũng nhiều hơn gần một phần tư so với trước đại dịch. Sue Nabi, Giám đốc điều hành Coty - công ty sản xuất nước hoa cho các thương hiệu gồm Gucci, Hugo Boss và Calvin Klein, cho rằng người tiêu dùng đang ngày càng mua nhiều mặt hàng nước hoa đắt tiền hơn.