16:08 11/03/2024

Tập trung đào tạo nhân lực ngành "hot" nhưng không làm ồ ạt

Phúc Minh

Bắt kịp theo xu hướng mới trên thị trường lao động, nhiều đơn vị đã bắt tay ngay vào đào tạo các ngành nghề “khát” nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực mới nổi nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

TĂNG CHỈ TIÊU NGÀNH "HOT"

Điều này chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Vì thế, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng, có chọn lọc, nhất là trong các ngành nghề mới nổi đang là xu hướng được các cơ sở đào tạo quan tâm.

Tại Hà Nội, theo thông báo tuyển sinh năm 2024 của một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn, nhìn chung chỉ tiêu năm nay không có biến động nhiều, chủ yếu tăng chỉ tiêu ở một số nhóm ngành “hot”, để tập trung vào đảm bảo chất lượng đào tạo nghề được tốt nhất.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội Đỗ Văn Trường, trong năm 2024, những nhóm nghề được nhà trường dự kiến tuyển sinh nhiều chỉ tiêu là Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin (nghề Thiết kế đồ họa, Lập trình máy tính).

Theo ông Trường, về cơ cấu của các nghề cơ bản không thay đổi, song do điều kiện kinh tế phát triển, xuất hiện một số công việc mới nên vài khoa chuyên môn có chút thay đổi về đào tạo.

Đơn cử, trong năm 2023, do không nhiều thí sinh đăng ký học nghề Lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, nên nhà trường chuyển sang nghề mới là Tự động hóa; hay chuyển nghề Cắt gọt kim loại sang nghề Công nghệ chế tạo máy để đáp ứng nhu cầu xã hội. Kết quả số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào những nghề mới nhiều hơn.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng, thông tin nhà trường dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành nghề như Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Vẽ và thiết kế trên máy tính, Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính…

Theo đại diện nhà trường, đây là những ngành nghề đang rất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, kỹ thuật, cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

KHÔNG ĐÀO TẠO Ồ ẠT, TẬP TRUNG VÀO CHẤT LƯỢNG

Cùng với nhiều ngành nghề luôn “khát” lao động có tay nghề, những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hay mới nổi gần đây, cũng đã được các đơn vị update để có định hướng đào tạo ngay, như công nghệ thông tin, chíp bán dẫn…

Đào tạo nghề cho sinh viên. Ảnh minh họa.
Đào tạo nghề cho sinh viên. Ảnh minh họa.

Trao đổi với VnEconomy, bà Hồ Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Tuyển sinh của FPT Aptech – FPT Jetking, cho biết nắm bắt xu hướng các bạn trẻ yêu thích ngành lập trình phần mềm và công nghệ thông tin, nên hiện đơn vị đang tập trung đào tạo ngành lập trình phần mềm.

Chương trình đào tạo tại FPT Aptech – FPT Jetking là chương trình đào tạo 2 năm. Trong thời gian này, các sinh viên sẽ được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp thông qua việc đến tham quan, thực tập, và doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào chấm các đồ án của sinh viên tại các buổi bảo vệ đồ án.

Cùng với đó, trong quá trình học tập, nếu sinh viên đã có năng lực và muốn đi làm, đơn vị đã có phòng giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ sinh viên gửi CV đến các doanh nghiệp để ứng tuyển.

“Tại FPT Aptech – FPT Jetking, khoảng 50% các bạn vừa đi học vừa đi làm, có nghĩa là trong quá trình học các bạn đã được dạy nhiều kiến thức về thực hành. Những bạn học xong 1 năm có thể đi làm, với mức lương thực tập sinh 8 – 10 triệu đồng là hoàn toàn có thể được”, bà Huyền thông tin.

Bên cạnh đó, để bắt kịp xu thế, trong năm 2024, đơn vị sẽ mở chuyên ngành đào tại mới là chíp bán dẫn. Bà Huyền nhận định, trong tương lai lĩnh vực chíp bán dẫn, hay lập trình phần mềm vẫn sẽ một trong những ngành có nhu cầu lớn.

Riêng ngành chíp bán dẫn, bà Huyền cho biết, do đây là lĩnh vực mới nên trước mắt đơn vị sẽ không tuyển chọn ồ ạt để tập trung vào chất lượng, khoảng vài trăm chỉ tiêu trong năm nay.

“Trong dài hạn dù chưa có con số dự kiến cụ thể nhưng chúng tôi cho rằng chắc chắn với xu thế của ngành chíp bán dẫn, cũng như xu hướng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ về đầu tư xây dựng các nhà máy chíp tại Việt Nam, con số nhân lực cần đào tạo sẽ không dừng lại”, đại diện FPT Aptech – FPT Jetking cho hay.

Cùng với đó, chương trình đào tạo sẽ luôn được cập nhật để bắt nhịp với xu thế, cũng như những ngôn ngữ lập trình mới. Từ đó, giúp các bạn khi ra trường đi làm có thể bắt kịp được nhu cầu của thị trường.

Ngoài hệ sinh thái của FPT, sinh viên cũng có thể lựa chọn làm việc ở các công ty công nghệ khác của Việt Nam, phù hợp với năng lực, mức lương, môi trường mà họ mong muốn.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, mới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới, trong đó có chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, logistics…

Bộ này cũng yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề, kỹ năng mới, từ đó đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, cơ quan này đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm rõ cấp độ có thể tham gia đào tạo các ngành nghề mới.

Trên cơ sở báo cáo của các trường, về khả năng đào tạo, vướng mắc cơ chế chính sách, nguồn lực..., đơn vị sẽ có cơ sở dữ liệu tổng thể, chính xác. Sau đó, sẽ có phương án hỗ trợ để các trường vào cuộc đào tạo. Dự kiến, trong tháng 3/2024 sẽ có thông tin tổng hợp báo cáo của các trường trên cả nước.