08:12 23/12/2024

Tế bào gốc ứng dụng thần kỳ vào y-sinh học

Hoài Phương

“Y học tái tạo”, “công nghệ tế bào”... đã trở thành những từ khóa quan trọng trong các hội thảo khoa học quốc tế thời gian gần đây. Trong đó, tế bào gốc được coi là “phát hiện của thế kỷ” với nhiều ứng dụng vào y học và sinh học...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 8 vừa qua, triệu phú công nghệ 45 tuổi Bryan Johnson đã chi 16.000 USD cho một lần tiêm tế bào gốc vào đầu gối để điều trị chứng thoái hóa khớp. Liệu pháp tế bào gốc không còn xa lạ trong y học hiện đại, nhưng việc sử dụng tế bào gốc của người khác để tái tạo các khớp xương lại là một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng.

Do đó, dù chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, nhiều “tín đồ chống lão hóa” đã tìm đến những địa điểm như Bahamas hay Panama để thực hiện quy trình này.

Matthias Bernow, Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ sinh học Cellcolabs - nơi cung cấp tế bào gốc cho ca phẫu thuật của tỷ phú Johnson, chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng trong tương lai, khi chúng ta đến phòng khám để kiểm tra sức khỏe hàng năm và tiêm vaccine cúm, chúng ta cũng có thể được tiêm thêm tế bào gốc để điều trị hoặc ngăn chặn bệnh tật”.

KHI TẾ BÀO ĐƯỢC “TÁI LẬP TRÌNH”

Năm 2024, lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng bệnh ở một phụ nữ 25 tuổi thông qua cấy ghép tế bào gốc được “tái lập trình” từ chính cơ thể của bệnh nhân. Theo đó, một nghiên cứu mới đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 bằng cách sử dụng tế bào gốc. Chỉ sau chưa đầy 3 tháng kể từ khi nhận cấy ghép, cơ thể người phụ nữ đã bắt đầu tự sản xuất insulin.

Tại Australia, một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch ở thành phố Melbourne đã đạt được bước đột phá khi tạo ra các tế bào gốc tạo máu được nuôi trong phòng thí nghiệm gần giống với các tế bào trong cơ thể con người. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị một số chứng rối loạn. Các tế bào gốc tạo máu này có thể cấy ghép được, mở ra cơ hội điều trị cho trẻ em mắc bệnh bạch cầu và rối loạn suy tủy xương.

Việc phát triển thành công công nghệ tạo tế bào gốc đang mở ra hướng đi mới cho các startup toàn cầu.
Việc phát triển thành công công nghệ tạo tế bào gốc đang mở ra hướng đi mới cho các startup toàn cầu.

Mới đây một nhóm nghiên cứu do Đại học Kyoto (Nhật Bản) đứng đầu đã công bố phát triển thành công các tế bào miễn dịch có khả năng nhắm mục tiêu và tấn công các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2, bằng cách sử dụng tế bào gốc phôi người (hESC). Giáo sư miễn dịch học Hiroshi Kawamoto thuộc nhóm nghiên cứu cho biết các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tài khóa 2027 với mục tiêu đưa vào sử dụng thực tế từ năm tài khóa 2029. Công nghệ này không chỉ được sử dụng để chống lại virus SARS-CoV-2 mà còn có tiềm năng chống lại các loại virus chết người khác.

Thực tế, việc phát triển thành công công nghệ tạo tế bào gốc đang mở ra hướng đi mới cho các startup toàn cầu. Công ty khởi nghiệp Cellcolabs tại Thụy Điển trong năm 2024 đã huy động được 8,7 triệu USD, nâng tổng số tiền huy động được lên 21,5 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2021.

Tế bào gốc, đặc biệt là tế bào gốc trung mô (MSC), được biết đến với đặc tính tái tạo và chống viêm, rất quan trọng đối với các phương pháp điều trị y tế khác nhau nhưng lại nổi tiếng là khan hiếm và đắt tiền. Quy trình đổi mới của Cellcolabs sử dụng tủy xương từ những người hiến tặng tình nguyện khỏe mạnh, không chỉ bỏ qua những lo ngại về đạo đức mà còn hứa hẹn cung cấp MSC bền vững hơn cho nghiên cứu và điều trị y tế.

Không chỉ nhiều tiềm năng trong điều trị y khoa, tế bào gốc còn đóng vai trò nền tảng trong quá trình phát triển thuốc mới. Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng, tế bào gốc cung cấp một nền tảng thử nghiệm tế bào lý tưởng để nghiên cứu dược lý. Chúng cho phép xác định các mục tiêu phân tử mới, đánh giá tác dụng dược lý của hợp chất và dự đoán hiệu quả lâm sàng.

Bằng cách sử dụng tế bào gốc để mô phỏng bệnh tật ở cấp độ tế bào, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh, từ đó sàng lọc hiệu quả các hợp chất có tiềm năng làm thuốc. Theo Viện Y học tái tạo California, việc ứng dụng các công nghệ tế bào gốc sau khi làm rõ cơ chế bệnh sẽ rút ngắn thời gian và chi phí phát triển dược phẩm.

Tại Việt Nam, tế bào gốc đã và đang được thử nghiệm lâm sàng cũng như ứng dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến thẩm mỹ (bệnh về da và tóc), bệnh lão suy, lão hóa viêm, bệnh cơ xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa (béo phì, mỡ máu, đái tháo đường...). Được biết, cả nước đang có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Tế bào gốc ứng dụng thần kỳ vào y-sinh học - Ảnh 1