Chuyển đổi số là con đường để tiến về phía trước
“Chính phủ Việt Nam tầm nhìn chuyển đổi số đến năm 2025 trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số… chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu nhờ vào hợp tác với các đối tác…”
Ngày 7/10, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phối hợp với Công ty ASEAN Business Partners đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số - Cầu nối thành công” dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi các quốc gia đang điều chỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, trong đó có Việt Nam.
TĂNG CƯỜNG SỰ HỢP TÁC, PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, cho rằng: Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kết nối và liên lạc. Chuyển đổi số là con đường để tiến về phía trước. Ấn Độ đã thích nghi với đại dịch nhờ các giải pháp công nghệ thông tin mới trong thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
"Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn chuyển đổi số đến năm 2025 đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Với dân số trẻ và năng động, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu trên nhờ vào hợp tác với các đối tác".
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM.
Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam ưu tiên chú trọng tới sản xuất thông minh, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ Blockchain, dữ liệu trực tuyến, an ninh mạng, công nghệ tài chính, công nghệ in 3D, hệ sinh thái 5G, thành phố thông minh…
Ông Madan Mohan Sethi tin tưởng Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn chuyển đổi số đến năm 2025 đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Với dân số trẻ và năng động, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu trên nhờ vào hợp tác với các đối tác.
Đặc biệt, tầm quan trọng ngày càng tăng của hệ sinh thái kỹ thuật số trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tầm nhìn của cả Ấn Độ và Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin và cuộc cách mạng 4.0, tạo cơ hội hợp tác mới giữa hai nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các doanh nghiệp khởi nghiệp của hai nước cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), thành phố thông minh, dữ liệu lớn (Big Data),…
Tiến sĩ Pavani Kadiyala, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Chính phủ, chi nhánh Hyderabad và Cố vấn Diễn đàn Doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa (MSMEs) Ấn Độ chia sẻ về những câu chuyện thành công của Ấn Độ trong chuyển đổi số, đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.
Ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT - IT) cho biết các dự án trọng điểm VNPT đang triển khai và đề xuất hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài về ứng dụng viễn thông, dịch vụ cộng đồng và các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 (AI, Bigdata, Blockchain, IoT,...). VNPT đang tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm của VNPT ở thị trường nước ngoài và hợp tác trong nước để hoàn thiện hệ sinh thái số về y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch,…
Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng chia sẻ những tác động và lợi ích của số hóa trong hỗ trợ chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xác thực thanh toán và quản lý chi tiêu của người dùng. “Chuyển đổi số - Cầu nối thành công” là sự kiện xúc tiến đầu tư đầu tiên của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM trong điều kiện trạng thái bình thường mới sau nhiều tháng giãn cách xã hội toàn thành phố.
VÀ CHUYỆN A.I CÁCH MẠNG NÔNG NGHIỆP ẤN ĐỘ...
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), nông nghiệp là nguồn sinh kế lớn nhất của người dân Ấn Độ với 70% hộ gia đình nông thôn vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống. Ấn Độ có diện tích trồng trọt lớn thứ nhì trên thế giới, sản lượng ngũ cốc chiếm 25% tổng sản lượng trên thế giới.
Mặc dù nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế nhưng đóng góp của ngành này vào GDP của Ấn Độ tiếp tục suy giảm qua nhiều thập kỷ. An ninh lương thực vẫn là vấn đề của đại bộ phận người dân, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao 30%.
Bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ nông nghiệp (Agritech), các công ty khởi nghiệp (startup) Ấn Độ đang giúp nhiều nông dân nước này cải thiện sản xuất và sinh kế; ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất cây trồng thông qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các sáng kiến tích cực của Chính phủ.
Từ năm 2017, Ấn Độ đã ứng dụng AI vào nông nghiệp. Người nông dân chỉ cần một chiếc điện thoại có tính năng nhận tin nhắn văn bản. Họ sẽ nhận được thông báo bằng tin nhắn tự động về ngày gieo hạt, nguy cơ sâu bệnh tấn công, nhiệt độ, thông tin thời tiết qua vệ tinh, lượng mưa, dự báo sản lượng, tăng trưởng của cây trồng qua từng giai đoạn và giá cả… tất cả nhờ vào công nghệ AI, phân tích chuỗi khối (Blockchain). Nhờ đó, sản lượng nông nghiệp tăng 30% đối với cây trồng, chi phí cho thuốc trừ sâu giảm đáng kể, và dự báo giá cả giúp Chính phủ kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Trong lĩnh vực Agritech, có rất nhiều công ty khởi nghiệp nổi lên như Nebulaa sử dụng AI để tối ưu hóa việc kiểm tra chất lượng nông sản. Giải pháp MATT sử dụng AI và xử lý hình ảnh để tiến hành phân tích chất lượng nhanh chóng của gạo, ngũ cốc và đậu chỉ trong một phút. Các ứng dụng AI của MATT giúp giảm thiểu sai sót và tính chủ quan của con người, do đó tối ưu hóa quy trình chuỗi cung ứng để nông dân có thể kiểm tra nông sản nhiều hơn và đảm bảo chất lượng hơn.
Tương tự, Aqgormalin là một nền tảng đa dạng hóa sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nền tảng này giúp người nông dân tăng thu nhập thông qua việc tổ chức đầu vào chuỗi cung ứng và tiếp thị sản phẩm đầu ra của trang trại. Nông dân có thể gửi yêu cầu đầu vào thông qua ứng dụng AQAI của Aqgormalin, sau đó nền tảng này sẽ thu thập và giao hàng đến trại chăn nuôi. Sau thu hoạch, nền tảng này sẽ xử lý đầu ra giúp nông dân cũng như xuất khẩu.
Gần đây, nền tảng đầu tư khởi nghiệp We Founder Circle (WFC) có trụ sở tại Mumbai đã huy động được khoảng 2,5 triệu USD cho ba công ty khởi nghiệp Agritech. Cụ thể, Anveshan chuyên về thực phẩm hữu cơ với công nghệ truy xuất nguồn gốc; Humus chuyên về bán lẻ từ trang trại đến nhà bếp; Hesa chuyên về phân phối nông sản.