Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng dù kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo
Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng giá của đồng USD và việc nhà đầu tư không còn đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3...
Giá vàng thế giới tăng nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế nước này tăng mạnh hơn dự báo nhưng lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Giá vàng miếng trong nước sáng nay duy trì quanh ngưỡng 76,5 triệu đồng/lượng, “vênh” hơn 16 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 63,65 triệu đồng/lượng và 64,75 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 74 triệu đồng/lượng và 76,5 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng hôm qua..
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.022,4 USD/oz, tăng 1,5 USD/oz, tương đương tăng gần 0,1%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 60,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 200.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 16,1 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 4,3-4,4 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.410 đồng (mua vào) và 24.780 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua. Trong vòng 4 ngày trở lại đây, giá USD tại ngân hàng này tăng 80 đồng.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD/oz, tương đương tăng 0,3%, đóng cửa ở mức 2.020,9 USD/oz.
Hỗ trợ cho giá vàng phiên này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau báo cáo kinh tế Mỹ.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 3,3% trong quý 4/2023, vượt xa mức dự báo tăng 2% mà giới chuyên gia đưa ra. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không kéo lạm phát tăng trở lại, mà lạm phát ở Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng giảm tốc.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 2% trong quý 4, bằng mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra. Trong khi đó, PCE toàn phần chỉ tăng 1,7%.
“Nền kinh tế nóng hơn nhiều so với dự báo, nhưng cùng với đó, lạm phát tiếp tục đi xuống. Bởi vậy, nhà đầu tư không lo Fed phải tăng thêm lãi suất”, chiến lược gia Bart Melek của công ty TD Securities viết trong một báo cáo.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về dưới mức 4,1% sau mấy phiên liên tiếp duy trì trên mốc này.
Giá vàng cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo khác đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này tăng thêm 25.000 trong tuần kết thúc vào ngày 20/1, lên mức 214.000, cao hơn con số dự báo 200.000 mà giới phân tích đưa ra.
“Số liệu trợ cấp thất nghiệp lần đầu cho thấy thị trường việc làm đang yếu đi, và điều đó có lợi cho giá vàng”, chiến lược gia Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng giá của đồng USD và việc nhà đầu tư không còn đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa phiên ngày thứ Năm ở mức hơn 103,5 điểm, từ mức 103,2 điểm của phiên trước.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang dự báo Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 30-31/1. Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 hầu như không còn, và thay vào đó thị trường đặt cược khả năng 89% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 5.