Thấy gì qua những cuộc “đổi ngôi” ở đế chế xa xỉ của tỷ phú Bernard Arnault?

Minh Nguyệt
Chia sẻ

LVMH đã bổ nhiệm các CEO mới tại hai hãng thời trang lớn nhất của mình, Louis Vuitton và Christian Dior Couture. Thông báo này vừa được đưa ra mới đây, báo hiệu một đợt chuyển giao lớn đang xảy ra bên trong tập đoàn xa xỉ lớn mạnh nhất thế giới...

Ảnh: The Motley Fool
Ảnh: The Motley Fool

Tập đoàn xa xỉ LVMH đã đăng một tuyên bố rằng Giám đốc điều hành của Christian Dior Couture – Pietro Beccari – sẽ kế nhiệm Michael Burke với tư cách là Giám đốc điều hành của Louis Vuitton. Trong khi đó, Delphine Arnault – người con cả của chủ tịch LVMH và là Phó Chủ tịch điều hành sản phẩm của Louis Vuitton từ năm 2013 – sẽ thay thế Beccari làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Dior. 

Theo Bloomberg, Louis Vuitton và Dior là hai thương hiệu cầm trịch trong các cuộc đua của những thương hiệu hàng đầu, và là hai “chiến mã” tốt nhất đóng góp hàng tỷ đô la vào doanh thu của LVMH mỗi năm. Là một phần của kế hoạch cải tổ quản lý, công ty cũng đưa Tiffany vào mảng đồng hồ và trang sức, dưới sự quản lý của Stephane Bianchi. Những thay đổi nhân sự này cho thấy sức mạnh cải tổ trong nội bộ của LVMH, với những cái tên sáng giá sẵn sàng để chuyển đổi công ty, tiếp nhận vị trí mới và đưa các thương hiệu đến nhiều cột mốc ngoạn mục hơn nữa trong tương lai.

Thay đổi này sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2023. Việc Bernard Arnault để con gái Delphine tiếp quản quyền quản lý Christian Dior Couture diễn ra trong bối cảnh vị tỷ phú của giới xa xỉ phẩm đang dần đưa các con lên những vị trí chủ chốt trong đế chế LVMH. Tháng trước, vị tỷ phú này cũng giao cho con trai Antoine vai trò lớn hơn trong đế chế kinh doanh của gia đình. Antoine Arnault đã thay thế vị trí Sidney Toledano làm Giám đốc kiêm Phó chủ tịch Christian Dior SE - công ty con của LVMH.

Từ trài qua phải: ông Pietro Beccari, cô Delphine Arnault và ông Michael Burke.
Từ trài qua phải: ông Pietro Beccari, cô Delphine Arnault và ông Michael Burke.

Những người trong nội bộ LVMH từ lâu đã coi Beccari là người kế nhiệm tiềm năng cho Burke –  người đã lãnh đạo Louis Vuitton từ năm 2012. Những đóng góp của nhà điều hành người Ý đã được công nhận từ các nỗ lực tiếp thị của Vuitton năm 2006 đến 2012 trước khi trở thành ngôi sao “sáng” trong làng thời trang với tư cách là Giám đốc điều hành của hai thương hiệu Fendi và Dior. Kể từ khi Beccari gia nhập Dior vào năm 2018, doanh số bán hàng của thương hiệu đã tăng gần gấp bốn lần. Chúng có thể lên gần 9 tỷ euro vào năm 2022, theo ước tính của HSBC. Tỷ phú Arnault cho biết Beccari đã “vẽ ra một câu chuyện mới” cho Dior. 

Vị giám đốc điều hành này có năng khiếu đặc biệt trong việc tạo ra các trung tâm thương hiệu sống động kết hợp giữa thời trang, ẩm thực, khách sạn, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn nghề thủ công, cũng như dàn dựng các màn Marketing đáng nhớ, chẳng hạn như buổi trình diễn “haute couture” năm 2016 của Fendi tại đài phun nước Trevi hay tái hiện lại buổi chụp hình mang tính biểu tượng của Dior năm 2021 tại Acropolis, Athens.

Trong khi đó, Luca Solca, một nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein, cho biết việc thăng chức sẽ giúp Delphine Arnault "tiếp xúc nhiều hơn với tiền tuyến tại Dior".

 
Sau thông tin Delphine được bổ nhiệm quyền quản lý tại Dior, cổ phiếu LVMH tăng tới 2,2% lên mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 11/1 tại Paris, đưa định giá tập đoàn xa xỉ lên mốc 388 tỷ euro (417 tỷ USD).

Delphine, 47 tuổi, là con cả trong số 5 con của tỷ phú Arnault. Cô đảm nhận vị trí Phó chủ tịch điều hành của Louis Vuitton trong thập kỷ qua, phụ trách giám sát tất cả hoạt động liên quan đến sản phẩm của thương hiệu. Trong vai trò mới tại Dior, Delphine sẽ hợp tác chặt chẽ với CEO Dior Charles Delapalme để đưa thương hiệu này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong số 5 người của Arnault, Delphine tham gia nhiều nhất vào lĩnh vực thời trang, với tư cách người đứng đầu giải thưởng dành cho các nhà thiết kế thuộc LVMH.

Việc cải tổ diễn ra vào thời điểm cả Dior và Louis Vuitton đều đang phát triển mạnh. Dù LVMH không chia nhỏ các con số tài chính theo thương hiệu, sự tăng trưởng của mảng thời trang và đồ da do Dior dẫn đầu trong quý thứ ba. Tập đoàn này cũng sở hữu các thương hiệu đình đám khác như Louis Vuitton, Fendi, Celine... Giới quan sát nhận định đây là bước đi thể hiện rõ mong muốn duy trì tương quan giữa nhóm người ngoài và người nhà Arnault trong đội ngũ lãnh đạo cốt cán của tập đoàn LVMH. Những thay đổi trên đều được đánh giá là thông tin tích cực với cả 2 nhãn hàng chủ lực của LVMH, là tín hiệu rõ ràng về quá trình chuyển giao quyền lực trong gia đình Arnault.

Thomas Chauvet, nhà phân tích của Citi, cho biết: “Việc lên kế hoạch kế nhiệm ở những vai trò chiến lược là yếu tố mang lại thành công cho các thương hiệu chủ chốt của LVMH trong 20 năm qua, do đó những động thái mới đây rất có ý nghĩa”. Việc gia đình Arnault siết chặt quyền kiểm soát đế chế của mình diễn ra trong bối cảnh các công ty thời trang khác ở châu Âu, bao gồm cả Prada và Inditex, chủ sở hữu của Zara, cũng đều đang trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Tỷ phú Bernard Arnault và con gái cả Delphine và con trai lớn Antoine Arnault.
Tỷ phú Bernard Arnault và con gái cả Delphine và con trai lớn Antoine Arnault.

Trong số năm người con của ông Arnault, ngoài Delpine và Antoine Arnault, thì còn có Alexandre, 30 tuổi, phụ trách sản phẩm và truyền thông tại Tiffany; trong khi Frederic, 28 tuổi, là CEO của thương hiệu TAG Heuer cũng thuộc tập đoàn. Người con út, Jean, 24 tuổi, đứng đầu bộ phận tiếp thị và phát triển sản phẩm cho bộ phận đồng hồ của Louis Vuitton.

Những động thái giao cho con cái những trách nhiệm lớn hơn trong đế chế kinh doanh của tỷ phú Arnault đã làm dấy lên câu hỏi về việc kế vị tại tập đoàn giá trị nhất châu Âu. Tuy nhiên, ngoài những vị trí mới cho các con, ông Bernard Arnault, 74 tuổi, không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sớm từ chức, đặc biệt là khi công ty năm ngoái đã nâng độ tuổi tối đa của CEO từ 75 lên 80.

LVMH sở hữu tới hơn 75 nhãn hàng, trong đó có cả công ty thời trang Kenzo và nhà sản xuất champagne Moet&Chandon. Tập đoàn báo cáo lợi nhuận ròng 6,5 tỷ euro (7 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022, tăng 23% so với mức kỷ lục được ghi nhận cùng kỳ năm 2021. Doanh thu cũng tăng 28% lên 36,7 tỷ euro. Kết quả hoạt động cả năm 2022 sẽ được công bố trong những tuần tới nhưng được dự báo tiếp tục tăng trưởng so với mức doanh thu 64 tỷ euro của năm 2021.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con