10:04 23/06/2021

Thách thức ngành nhựa: Làm được sản phẩm cao cấp cho máy bay nhưng không có kỹ thuật chuyên về tái chế

Vũ Khuê

Ngành nhựa luôn tiếp cận với công nghệ cao để cho ra sản phẩm cao cấp cho máy bay, điện thoại thông minh… nhưng không có đội ngũ kỹ thuật chuyên viên chuyên về tái chế. Các trường đào tạo cũng không đào tạo chuyên về tái chế...

Quy trình nền kinh tế tuần hoàn
Quy trình nền kinh tế tuần hoàn

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn là giải pháp căn cơ để Việt Nam “thoát” khỏi danh sách 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ để phát triển nền kinh tế tuần hoàn lại đang thiếu và điều  này trở thành thách thức không dễ vượt qua.

 Ở ĐÂU CÓ TÁI CHẾ, Ở ĐÓ CÓ Ô NHIỄM

Tại toạ đàm “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” mới đây, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đánh giá, khung chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Đơn cử như quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong thu hồi, tái sử dụng.

Các chính sách thuế tài nguyên môi trường chưa đủ khuyến khích cho doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ. Lấy ví dụ trong ngành nhựa, chưa có chính sách để trong mỗi doanh nghiệp sản xuất nhựa có tỷ lệ nhất định làm sản phẩm tái chế. Chính sách vẫn mang tính lý thuyết, truyền thông, còn thực chất chưa được thực hiện.

Đặc biệt, việc tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế. Người tiêu dùng, bản thân các nhà sản xuất nhỏ đang hiểu hết sức mơ hồ về tái chế. Họ chỉ chạy theo năng suất, chất lượng, bỏ qua vấn đề sử dụng sản phẩm cũng như nguyên liệu tái chế.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, chuyên gia trình độ cao. Cụ thể, như ngành nhựa luôn tiếp cận với công nghệ cao để cho ra sản phẩm cao cấp cho máy bay, điện thoại thông minh… nhưng không có đội ngũ kỹ thuật, chuyên viên chuyên về tái chế.

Các trường đào tạo cũng không đào tạo chuyên về tái chế. Đặc biệt, công nghệ tái chế nhập từ châu Âu chỉ có 3-4 doanh nghiệp, trong đó 80% là doanh nghiệp nước ngoài.

Các cơ sở tái chế phế liệu ở Việt Nam hiện nay đều tự phát, tự xây dựng trên cơ sở những thiết bị cũ. Nên hình ảnh xấu “ở đâu có tái chế ở đó có ô nhiễm” luôn hiện hữu. Công nghệ tái chế ở Việt Nam là công nghệ thấp nhất. Đây chính là thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Việt Nam rất thiếu những doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng. Vì đầu tư cho công nghệ tái chế rất lớn. Riêng cho test thử nghiệm về túi nilon tự huỷ, các công ty được cấp chứng nhận phải gửi qua châu Âu làm thí nghiệm trong 24 tháng và giá thành gần 2 tỷ đồng cho một lần test thí nghiệm, dù thành công hay không.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Trưởng ban Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM cho rằng: cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.  

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế.

Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện. Kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Thứ tư, đổi mới công nghệ. Theo ông Trần Việt Anh, đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới... đảm bảo mục tiêu của mô hình này.

Thứ năm, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt.

Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần khó khăn nhất trong sứ mệnh mở rộng nền kinh tế tuần hoàn sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.