Tháng 1/2022, khối ngoại "nã" tiếp 218 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 3.400 tỷ đồng
Đúng với dự cảm không mấy lạc quan về giao dịch của khối ngoại trong năm 2022, ngay tháng đầu tiên của năm nay, khối ngoại tiếp tục xả mạnh chứng khoán Việt Nam...
Những ngày gần đây, khi thị trường có xu hướng giảm mạnh, nhà đầu tư trong nước liên tục bán ra xả hơi ăn Tết thì khối ngoại lại giải ngân, mua ròng, ít nhất là trong 3 phiên trở lại đây. Riêng phiên 27/1, khối ngoại mua ròng đâu đó khoảng 457,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 1 đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng thêm 20,5 triệu cổ phiếu Việt Nam với giá trị bán ròng tương ứng 3.463 tỷ đồng bao gồm cả chứng chỉ quỹ, ETF, cổ phiếu, trái phiếu. Nếu tính riêng cổ phiếu, nhà đầu tư thế giới đã bán 218 triệu cổ phiếu Việt Nam với giá trị tương ứng là 3.414 tỷ đồng. Quy mô của nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn chiếm khoảng 6-7% tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường. Còn lại là nhà đầu nội cân cả thị trường.
Trong khoảng một tháng qua, cổ phiếu bị khối ngoại xả ác liệt nhất là MSN với giá trị xả ròng khoảng 5.438 tỷ đồng; đứng ngay sau đó là CII với giá trị xả ròng 749 tỷ đồng; NVL đứng thứ ba với giá trị 711 tỷ đồng. Hàng loạt các mã khác cũng bị xả nhiều như VIC, VRE, DGW, VNM, HSG, HPG, E1VFVN30.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại gom mạnh VHM với giá trị mua ròng lên đến 1.506 tỷ đồng; CTG với giá trị 845 tỷ đồng; KBC đứng thứ ba với giá trị được mua 616 tỷ đồng; DXG được mua 584 tỷ đồng; STB cũng được mua 501 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều mã khác cũng được khối ngoại gom mạnh như KDH, GAS, BCM, VCB, BID, LPB, HDB. Như vậy, có thể thấy khối ngoại đang tập trung gom nhiều nhất nhóm ngân hàng trong vòng một tháng qua.
Trước đó, năm 2021, khối ngoại cũng đã bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng, nối tiếp xu hướng bán ròng từ năm 2020 đến nay khi dịch Covid 19 bùng phát.
Nguyên nhân dẫn đến khối ngoại không ngừng xả cổ phiếu Việt Nam gồm, thứ nhất, xu hướng rút ròng ở hàng loạt các thị trường cận biên, mới nổi và chảy vào các thị trường phát triển do nền kinh tế suy yếu dưới tác động của Covid kết hợp việc FED đẩy nhanh quá trình bình thường hoá chính sách tiền tệ.
Thứ hai, áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index tăng mạnh từ đáy đầu quý 2 năm 2020.
Thứ ba, cơ cấu vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam tập trung mạnh các ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp trong khi thiếu vắng các ngành thu hút mạnh dòng vốn toàn cầu trong 2 năm qua là công nghệ, dược phẩm.
Đánh giá về xu hướng mua bán của khối ngoại trong năm 2022, nhiều công ty chứng khoán đồng thuận cho rằng rất khó có khả năng nhóm nhà đầu tư này quay lại mua ròng khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì.
Cụ thể, theo Chứng khoán KBSV, khó có khả năng khối ngoại quay đầu mua ròng đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát (Việt Nam dù đang có lạm phát tương đối thấp và đồng nội tệ tương đối mạnh vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng).
Đồng quan điểm, chứng khoán Nhất Việt cho rằng, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại khỏi thị trường Việt Nam trong 2 năm gần đây sẽ khó thay đổi trong năm 2022 khi nguy cơ rủi ro đến từ đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện diện đặc biệt đến từ biến chủng mới khiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên như Việt Nam để quay về các thị trường phát triển. Thêm nữa, xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển trước áp lực lạm phát tăng cao, đi đầu là FED với kế hoạch tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tác động đáng kể đến diễn biến thị trường, trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước bởi giá trị giao dịch của khối ngoại đang ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giao dịch toàn thị trường, giảm từ mức 20% trước 2020 xuống quanh 5-7% hiện tại.
Dẫu vậy, KBSV cũng cho rằng, các yếu tố có thể thúc đẩy khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường gồm thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại, mở room ngoại hay cơ hội nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn.