"Tháng 5, phát hành thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện mới"
“Sẽ có ba mức phí bảo hiểm y tế tự nguyện dành cho từng địa phương khác nhau”
Trong tháng 5, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phát hành thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện mới với những quy định mới về mức phí và điều kiện chi trả.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Sau một thời gian tạm dừng, bảo hiểm y tế tự nguyện bắt đầu khởi động lại với những quy định mới. Xin ông cho biết mức phí bảo hiểm y tế tự nguyện mới như thế nào?
Có ba mức phí dành cho từng địa phương khác nhau, trong đó mức dành cho người dân thị xã, thành phố là 280.000 đồng/thẻ/người, khu vực nông thôn là 200.000 đồng/thẻ/người, với học sinh và sinh viên mức phí thấp hơn, khoảng 60.000- 70.000 đồng/thẻ/người.
Các mức đóng này cao hơn trước 80.000 - 90.000 đồng/thẻ, thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện của học sinh - sinh viên cao hơn trước 10.000 đồng, nhưng so với mức chi trả năm 2006 bình quân mỗi thẻ chi 330.000 đồng/người. Đây cũng là “chính sách mềm”, liên Bộ Y tế - Tài chính cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam tự quyết định mức giá từng năm, miễn là nằm trong khung do liên bộ qui định.
Có ý kiến cho rằng, mức phí trên là khá cao so với thu nhập của người dân?
Đúng là mức phí mới khá cao nhưng đây là chính sách mềm, còn có thể điều chỉnh. Trong thông tư hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị các địa phương nỗ lực vận động hội đồng nhân dân hỗ trợ hộ cận nghèo một phần chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.
Với các gia đình đông người, chi phí tham gia sẽ được giảm 10% cho người thứ ba, từ người thứ tư trở đi được giảm 20%. Có thể số người tham gia sẽ giảm khoảng 30%, vì thế các địa phương phải nỗ lực hơn trong vận động người dân.
Với việc áp dụng nhiều điều kiện mới như phải tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện ít nhất 6 tháng mới được chi trả dịch vụ y tế kỹ thuật cao, ít nhất 9 tháng mới được chi trả chi phí thai sản liệu có quá khắt khe bởi đây là mô hình tự nguyện, thưa ông?
Thật ra đây là hoạt động mang tính xã hội, ngay bảo hiểm xã hội cũng yêu cầu những người được hưởng lương nghỉ thai sản phải có thời gian tham gia ít nhất 6 tháng.
Thưa ông, việc điều chỉnh lại những quy định về Bảo hiểm y tế tự nguyện phải chăng nhằm giảm thiểu phần bồi chi và tránh vỡ quỹ trong tương lai?
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2006 có 34,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, bằng 41% dân số, tổng thu 4.368 tỷ đồng. Trong đó quĩ khám chữa bệnh là 4.106 tỷ đồng, nhưng tổng chi 5.630 tỷ đồng. Bội chi 1.524 tỷ đồng, trong đó riêng đối tượng tự nguyện nhân dân bội chi 913 tỷ đồng.
Vượt chi nhiều nhất là Tp.HCM, địa phương này bội chi 295 tỷ đồng, trong đó đối tượng tự nguyện nhân dân bội chi 238 tỷ đồng. Nếu năm nay quỹ thâm thủng thì mức đóng tăng, nhưng năm sau nếu quản lý tốt, thực hiện cùng chi trả có hiệu quả thì mức đóng lại được điều chỉnh giảm ngay.
Thưa ông với những thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện còn giá trị sử dụng có được tiếp tục chi trả không hay phải đổi thẻ mới?
Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện còn giá trị sử dụng tiếp tục được chi trả theo mức chi cũ. Những người tham gia từ 1/5 áp dụng chi trả theo mức mới. Theo mức chi mới, người bệnh sẽ phải cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh trên 100.000 đ.
Việc triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện khi nào sẽ bắt đầu, thưa ông?
Một số các địa phương có thể phát hành thẻ ngay trong tháng 5, ví dụ như Thừa Thiên - Huế đã thu của bà con mức tạm tính, nay chính thức có mức thu mới chỉ phải thu thêm để phát hành thẻ chính thức. Các điều kiện để triển khai như hệ thống đại lý, các tình huống có thể xảy ra trong thời điểm giao thời, mẫu thẻ mới... đều đã chuẩn bị hoàn tất.
Chúng tôi sẽ thu của bà con tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện 2 đợt/năm, dự kiến triển khai thí điểm ở một số xã hình thức thu 4 lần trong một năm nhằm giúp bà con khó khăn có điều kiện tham gia.