Thanh Hóa có 14 sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ
Hai tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa có 14/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh như: Điện sản xuất 744 triệu kwh, tăng 95%; dầu diesel nhiên liệu 495,5 nghìn tấn, tăng 42,9%...
Trong tháng 2/2024, tại Thanh Hóa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có dây truyền sản xuất đặc thù như: xi măng, gạch ceramic, chế biến sữa, xăng dầu, điện... đều tổ chức lực lượng trực sản xuất đảm bảo hoạt động liên tục trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực khác tại tỉnh này đã quay trở lại sản xuất kinh doanh ổn định ngay sau dịp nghỉ Tết; các doanh nghiệp sản xuất may mặc, giày da có thêm đơn hàng; khí thế thi đua lao động sản xuất trong các doanh nghiệp sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnhThanh Hóa tháng 2 tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 10,47%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 59,64%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,97%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này tăng 24,46% so với cùng kỳ năm 2023; có 14/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh như: Điện sản xuất 744 triệu kwh, tăng 95%; dầu diesel nhiên liệu 495,5 nghìn tấn, tăng 42,9%; xi măng 1,27 triệu tấn, tăng 17,9%; xăng 279,8 nghìn tấn, tăng 16,9%; đường kết tinh 17,6 nghìn tấn, tăng 13,6%,...
Một số sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ, như: bia các loại 877 nghìn lít, giảm 48,3%; sắt thép 326,5 nghìn tấn, giảm 18,1%; thuốc lá 18,6 triệu bao, giảm 8,5%; quần áo 40,9 triệu sản phẩm, giảm 5,1%; giày thể thao 16,2 triệu đôi, giảm 2,3%.
Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Thanh Hóa trong tháng 2 tăng 2,14% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tăng 21,09%. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp taij tỉnh này tháng 2 tăng 45,36% so với tháng trước, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu kinh tế khác của tỉnh này cũng tăng mạnh trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, như doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 21%; giá trị xuất khẩu tăng 52,8%; tổng lượt khách du lịch tăng 34,4%, tổng thu du lịch tăng 46%; vận chuyển hàng hóa tăng 10,2%, vận chuyển hành khách tăng 26,3%, doanh thu vận tải tăng 15,3%; thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 8.708 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 2, Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và cấp giấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 2.929,9 tỷ đồng và 32,6 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 3 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.299,2 tỷ đồng và 32,6 triệu USD, gấp 3 lần về số dự án và gấp 6,7 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.