12:00 06/10/2023

Thanh khoản cực thấp, thị trường lại lịm dần

Kim Phong

Trạng thái giằng co giữa bên cầm cổ và bên cầm tiền tạo cảm giác đóng băng giao dịch trong phiên sáng nay. Mặc dù mức giảm không nhiều, VN-Index mới để mất 3,52 điểm nhưng đó là kết quả của tình trạng “lịm” dần của cổ phiếu. Bên cầm tiền vẫn đang chờ đợi với sự kiên nhẫn rất khó chịu…

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường sáng nay cũng có nhiều mã xanh, nhưng đều đã trượt giảm đáng kể trong phiên.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường sáng nay cũng có nhiều mã xanh, nhưng đều đã trượt giảm đáng kể trong phiên.

Trạng thái giằng co giữa bên cầm cổ và bên cầm tiền tạo cảm giác đóng băng giao dịch trong phiên sáng nay. Mặc dù mức giảm không nhiều, VN-Index mới để mất 3,52 điểm nhưng đó là kết quả của tình trạng “lịm” dần của cổ phiếu. Bên cầm tiền vẫn đang chờ đợi với sự kiên nhẫn rất khó chịu…

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết mới đạt khoảng 5.184 tỷ đồng, tăng gần 8% so với sáng hôm qua. HoSE đạt 4.710 tỷ đồng, tăng 10%. Mức tăng này đều là nhờ nhịp trượt dốc tăng tốc trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng, còn trước đó thanh khoản nhỏ hơn đáng kể so với sáng hôm qua.

Đây là tín hiệu mờ nhạt của sự mất kiên nhẫn nhất định từ phía người cầm cổ, vì chiều nay sẽ có một lượng hàng mới về và hầu hết là lỗ, nhất là lượng đua giá buổi chiều. Với tình trạng dòng tiền quá kém thì áp lực bán chỉ cần gia tăng một chút cũng sẽ khiến giá lao dốc nhiều hơn.

Khi cả bên mua lẫn bên bán trong trạng thái chờ đợi, cung cầu không gặp nhau và thanh khoản xuống rất thấp. Trạng thái này chỉ tích cực nếu thị trường đang trong giai đoạn tích lũy đi ngang, còn trong xu hướng giảm vẫn tiếp diễn thì sớm muộn bên cầm cổ cũng sẽ nản lòng trước. Lý do là các danh mục sẽ chịu tác động khác nhau và nhà đầu tư cũng sẽ phải hành động khác nhau. Bên cầm tiền biết rất rõ điều đó vì những đợt bắt đáy trượt đều có rủi ro cao.

Sáng nay thị trường ban đầu giằng co khá tốt, thậm chí lúc gần 10h VN-Index còn tăng đạt đỉnh trên tham chiếu gần 3 điểm. Độ rộng thời điểm đó khá cân bằng với 193 mã tăng/178 mã giảm. Tuy nhiên đó chỉ là lúc người cầm cổ chưa ra quyết định, toàn thời gian còn lại bên bán xả hàng dần dần, tạo sức ép ngày một rõ hơn. Chốt phiên sáng, độ rộng rất kém với 118 mã tăng/320 mã giảm. Hàng trăm cổ phiếu nửa đầu phiên sáng còn lừng khừng ở tham chiếu đã chuyển trạng thái.

Diễn biến VN-Index trong phiên sáng nay.
Diễn biến VN-Index trong phiên sáng nay.

Về mặt biên độ giảm, sức ép cũng khá lớn với tròn 100 mã đang chốt dưới tham chiếu 1% trở lên. VN-Index giảm nhẹ 0,32% chỉ là bề nổi vì cũng vẫn còn các mã vốn hóa lớn giằng co nhau. VN30-Index thậm chí mới giảm 0,04%. CTG tăng 1,42%, VNM tăng 1,1%, VHM tăng 0,56% là 3 trong số 10 trụ vốn hóa hàng đầu của chỉ số. Trong số còn lại, VCB giảm 0,83%, BID giảm 0,72%, GAS giảm 1,31%, HPG giảm 0,8%. Như vậy nhóm cổ phiếu lớn nhất vẫn đang giằng co đỡ điểm số được.

Tuy nhiên với cổ phiếu thì tình hình bi đát hơn. Nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh áp đảo so với tiền mua, dẫn đến dao động giá đảo chiều trong phiên sáng nay khá lớn và hiện giảm mạnh so với tham chiếu. Tiêu biểu như DIG đang giảm 3,9% so với tham chiếu và biên độ lao dốc trong phiên tới -4,77%, thanh khoản 210,8 tỷ đồng. NVL đang giảm 1,81% với 109,7 tỷ đồng nhưng biên độ giảm trong phiên tới 3,21%. VCI giảm 1,72% với 109,6 tỷ, biên độ trượt giá là 3,5%... Lý do là các mã này ban đầu vẫn được đẩy giá tăng nhờ giảm bán, nhưng khi giá hồi lên nhà đầu tư tranh thủ xả hàng và bán liên tục, ép giá quay đầu rất sâu.

Trạng thái tăng giá với thanh khoản không đảm bảo luôn tiềm ẩn nguy cơ đảo chiều vì khối lượng có nhu cầu cắt lỗ luôn thường trực. Mặc dù có thể một thời điểm lực bán giảm, nhưng đó không phải là sự đồng thuận thực sự. Bên bán cũng có thể canh mức giá tốt nhất để cắt lỗ, hoặc thăm dò sức mua trước khi quyết định.

Với 118 cổ phiếu đang tăng ngược chiều, 32 mã tăng được trên 1%, số hiếm hoi thanh khoản tốt là TCH tăng 4,05% với 81,9 tỷ; VCG tăng 1,64% với 138,4 tỷ; VND tăng 1,53% với 257,8 tỷ; ORS tăng 1,51% với 30,4 tỷ; CTG tăng 1,42% với 30,3 tỷ; VIX tăng 1,41% với 231,2 tỷ; HDC tăng 1,34% với 33,2 tỷ; HAG tăng 1,23% với 54,9 tỷ.

Sự kiên nhẫn rất khó chịu của bên mua thể hiện thiếu tin tưởng vào khả năng dừng giảm ở cổ phiếu, hoặc đặt cược rằng bên bán sẽ phải chấp nhận thoát hàng giá rẻ với khối lượng lớn. Thực tế xu hướng giảm vẫn đang diễn ra và chưa có tín hiệu “cầm máu” đi ngang nào rõ rệt. Ngay cả khối ngoại cũng đã giảm cường độ giao dịch rất nhiều, sáng nay mua 268 tỷ bán 261 tỷ đều là mức rất thấp so với trung bình.