12:02 24/10/2023

Thanh khoản khô kiệt, cung cầu nhìn nhau

Kim Phong

Thị trường dao động rất hẹp trong phiên sáng nay, dù chỉ số vẫn đỏ, độ rộng nghiêng về phía giảm, nhưng biên độ giảm rất nhỏ. Mặt khác thanh khoản sụt giảm chóng mặt chỉ còn hơn 3.800 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn cho thấy cả bên cầm tiền lẫn bên cầm cổ đều chán nản không muốn giao dịch...

Nhóm cổ phiếu blue-chips vốn hóa lớn nhất đang cân bằng sớm hơn  số còn lại.
Nhóm cổ phiếu blue-chips vốn hóa lớn nhất đang cân bằng sớm hơn số còn lại.

Thị trường dao động rất hẹp trong phiên sáng nay, dù chỉ số vẫn đỏ, độ rộng nghiêng về phía giảm, nhưng biên độ giảm rất nhỏ. Mặt khác thanh khoản sụt giảm chóng mặt chỉ còn hơn 3.800 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn cho thấy cả bên cầm tiền lẫn bên cầm cổ đều chán nản không muốn giao dịch.

Thông thường sau một nhịp điều chỉnh mạnh, đây là trạng thái khô kiệt thanh khoản. Khi sự sợ hãi đã qua đi thì nhà đầu tư cầm cổ chán không còn lo lắng nữa, lỗ thì cũng đã lỗ rồi. Trong khi đó bên mua cứ chờ đợi các đợt bán tháo giá rẻ mới mua, nên cung cầu không thể gặp nhau.

Biên độ dao động tối đa của VN-Index sáng nay chưa tới 12 điểm, mức giảm sâu nhất 0,49% và tăng cao nhất 0,58%. Chốt phiên chỉ số vẫn còn giảm 0,05% tương đương -0,57 điểm. VN30-Index đã kịp tăng 0,02%, độ rộng khá tốt với 16 mã tăng/11 mã giảm.

Nhóm blue-chips đang là trụ cột của thị trường khi thanh khoản cũng chiếm 38% tổng khớp của sàn HoSE. VCB, SAB, GVR, VRE, VIB là 5 cổ phiếu nâng đỡ chỉ số tốt nhất. Tuy nhiên Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chỉ có 4 mã tăng và mức tăng đều kém: VCB tăng 0,36%, BID tăng 0,25%, VNM tăng 0,14% và FPT tăng 0,44%. Trong khi đó VHM giảm 0,56%, GAS giảm 0,5%, VIC giảm 0,23%, VPB giảm 0,24% và HPG giảm 0,42%.

Độ rộng nhóm VN30 thay đổi tích cực trên nền thanh khoản rất thấp hơn 1,285 tỷ đồng. Mức giao dịch này thậm chí còn chưa bằng giao dịch của HPG hay một số cổ phiếu siêu thanh khoản khác trong giai đoạn sôi động. Khả năng đảo chiều ở nhóm blue-chips cho thấy áp lực bán thực tế đang rất thấp, thanh khoản giảm và giá đỏ là do bên mua đặt lệnh giá thấp. Khi lực cầu dâng giá lên một chút là có thể đảo chiều dễ dàng. Vấn đề là bên mua sẽ chấp nhận nâng giá lên ở mức độ nào.

Diễn biến độ rộng chung của VN-Index cũng cho thấy đà giảm giá là rất rộng, nhưng thay đổi cũng khá dễ dàng. Thời điểm VN-Index chạm đáy lúc 11h15, giảm hơn 5 điểm, chỉ có 131 mã tăng/285 mã giảm. Tuy nhiên chốt phiên sáng đã cải thiện thành 172 mã tăng/251 mã giảm, nghĩa là chỉ trong 15 phút cũng có hàng chục mã có khả năng đảo chiều.

Áp lực bán yếu nên VN-Index có thể phục hồi khá dễ.
Áp lực bán yếu nên VN-Index có thể phục hồi khá dễ.

Thực tế biên độ giảm khá hẹp, tuy có 251 cổ phiếu giảm giá nhưng chỉ 84 mã giảm trên 1% và thanh khoản tuyệt đối ở nhóm này chỉ khoảng 785,6 tỷ đồng. Giao dịch cũng chỉ tập trung vào vài mã là DCM với 186,1 tỷ, giá giảm 5,8%; MWG với 156,8 tỷ giá giảm 2,79%; DPM với 58,4 tỷ giá giảm 2,41%, PVD với 55,5 tỷ giá giảm 2,15%. Trong 84 mã này cũng chỉ có 12 mã thanh khoản trên 10 tỷ đồng.

Trong 172 cổ phiếu tăng giá, chủ đạo cũng là giao dịch nhỏ. Đáng chú ý có DIG tăng 2% thanh khoản 91 tỷ; DXG tăng 2,07% thanh khoản 70,3 tỷ; EIB tăng 1,41% với 51,5 tỷ; HCM tăng 1,21% với 42,3 tỷ…

Khối ngoại sáng nay vẫn đang bán ròng 205,6 tỷ đồng trên HoSE với tổng giá trị bán chiếm khoảng 16,1% tổng giao dịch của sàn này, dù con số tuyệt đối chỉ là hơn 613 tỷ đồng. Mức giao dịch nhỏ nhưng tỷ trọng lớn cho thấy dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đang ở mức rất thấp. Mặt khác giao dịch bán ròng chỉ tập trung vào vào mã, nổi bật là MWG -74,4 tỷ, VHM -25,9 tỷ. Phía mua cũng chỉ có FPT +27,4 tỷ đồng là đáng kể.

Nhìn chung trạng thái thị trường giằng co với thanh khoản rất nhỏ lúc này không phải là xấu. Sau gần 2 tháng điều chỉnh kéo dài, mặt bằng giá đã xuống khá thấp và nhà đầu tư thua lỗ nặng. Tâm lý thông thường ở giai đoạn thua lỗ như vậy lại là “gồng lỗ” hơn là bán tháo hoặc cắt lỗ vì mức thiệt hại là quá lớn. Thanh khoản sụt giảm sau những phiên rơi mạnh, nhất là nhịp giảm 4 phiên tuần trước cũng cho thấy áp lực margin không còn nhiều.