12:07 10/08/2023

Thanh khoản thấp nhất 15 phiên, cổ phiếu nhỏ vẫn nóng

Kim Phong

May mắn cho VN-Index sáng nay nhóm trụ cũ đã phục hồi. VIC, VHM, GAS đang nỗ lực co kéo chỉ số về sát tham chiếu trong khi gần như cả rổ VN30 đỏ rực. Thanh khoản chung trên hai sàn niêm yết đã sụt giảm mạnh hơn 17% so với sáng hôm qua và xuống thấp nhất 15 phiên. Dòng tiền hạn chế nên chỉ có các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mới có lợi thế...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang nỗ lực cân bằng cho chỉ số VN-Index dù độ rộng rất kém.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang nỗ lực cân bằng cho chỉ số VN-Index dù độ rộng rất kém.

May mắn cho VN-Index sáng nay nhóm trụ cũ đã phục hồi. VIC, VHM, GAS đang nỗ lực co kéo chỉ số về sát tham chiếu trong khi gần như cả rổ VN30 đỏ rực. Thanh khoản chung trên hai sàn niêm yết đã sụt giảm mạnh hơn 17% so với sáng hôm qua và xuống thấp nhất 15 phiên. Dòng tiền hạn chế nên chỉ có các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mới có lợi thế.

VN-Index giảm sâu nhất lúc 10h30, giảm hơn 2 điểm so với tham chiếu nhưng đến cuối phiên sáng chỉ còn giảm 0,26 điểm. VN30 vẫn giảm 0,33% với độ rộng chỉ là 9 mã tăng/21 mã giảm. Tuy nhiên số tăng bao gồm nhiều cổ phiếu trụ rất lớn.

GAS tăng 1,98% đang là trụ khỏe nhất của chỉ số này, bên cạnh VIC tăng 1,37%, VHM tăng 1,16%. Ngoài ra có thể kể tới PLX tăng 1,72%. Đây là 4 blue-chips duy nhất tăng được quá 1%. Tuy vậy đây đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhì thị trường và khả năng kéo điểm số ấn tượng. Riêng VIC, VHM, GAS đã đem lại 2,7 điểm.

Thêm nữa, tuy độ rộng của VN30 rất hẹp nhưng cũng chưa có các trụ lớn tổn thương nhiều. VCB, BID, HPG, TCB, SAB đều giảm, nhưng còn nhẹ. MSN rơi 2,5%, GVR giảm 1,35%, BCM giảm 1,71%, VPB giảm 1,13% là những cổ phiếu yếu nhất.

Thanh khoản của rổ VN30 sáng nay sụt giảm tới 31% so với sáng hôm qua, chỉ còn 2.285 tỷ đồng, thấp nhất 19 phiên. Tuy nhiên tới 65,4% tổng giao dịch tập chung vào 5 cổ phiếu là NVL, VIC, MSN, HPG và SSI. Dòng tiền yếu khiến khả năng nâng đỡ giá hạn chế, biên độ giảm lúc này phụ thuộc nhiều vào việc người bán có hạ giá nhiều hay không.

Độ rộng chung của VN-Index cũng không tốt, với 199 mã tăng/243 mã giảm. Chỉ số trượt xuống dưới tham chiếu từ 10h15. Thời điểm gần 10h, độ rộng của chỉ số còn rất tốt với 232 mã tăng/146 mã giảm. Điều đó nghĩa là sức ép bán ra tăng khá mạnh trong thời gian ngắn. Chốt phiên sáng Midcap đã tăng nhẹ 0,08%, Smallcap tăng 0,04%. Diễn biến của các chỉ số nhóm vốn hóa vừa và nhỏ phản ánh sự phân hóa cũng diễn ra ngay trong các nhóm này.

VN-Index đã leo lên sát tham chiếu cuối phiên sáng.
VN-Index đã leo lên sát tham chiếu cuối phiên sáng.

HoSE hiện có 77 cổ phiếu tăng trên 1%, trong đó 10 mã kịch trần đều là các cổ phiếu nhỏ. SJS, VPH, CIG, HSL, TDG, TDH, QCG là các mã thanh khoản khá nhất nhưng cũng chỉ VPH và QCG là trên 10 tỷ đồng. Số khác khá ấn tượng là SCR tăng 4,22% với 103 tỷ đồng; OCB tăng 3,13% với 48,1 tỷ; EVG tăng 2,68% với 29 tỷ; DXG tăng 2,37% với 196,1 tỷ…

Phía giảm cũng mới có 62 cổ phiếu giảm quá 1%, thanh khoản trên trăm tỷ đồng cũng chỉ có DBC, MSN, GEX. Như vậy thị trường về cơ bản là dao động hẹp ở giá cổ phiếu. Điều này phần nào làm bớt xấu trong yếu tố thanh khoản giảm. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE giảm 19% so với sáng hôm qua, đạt 7.755 tỷ đồng. Tính chung hai sàn quy mô giảm 17%.

Giá cổ phiếu giảm áp đảo, thanh khoản thấp nhưng biên độ cũng hẹp. Sự kết hợp đó hàm ý áp lực bán chưa quá mạnh nên lực đỡ vùng giá đỏ có thể cân bằng được. Tuy nhiên bên mua cần phải mạnh bạo hơn nữa mới có thể kéo giá lên. Thực tế các trụ như GAS, VIC, VHM thanh khoản cũng kém xa các phiên trước. Nếu lực cầu tốt hơn ở các trụ, giá tăng mạnh hơn có thể đảo chiều được chỉ số, tạo điều kiện cho sự tự tin quay lại từ bên mua.

Tuy vậy cơ hội này cần có sự hỗ trợ của độ rộng cải thiện. Thị trường mấy phiên tăng gần đây bị ảnh hưởng quá nhiều bởi số ít cổ phiếu vốn hóa lớn. Hiện tượng kéo trụ như vậy dễ khiến nhà đầu tư lo lắng vì không biết lúc nào trụ sẽ “gãy”. Ngay với nhóm VN30, dù các trụ đỡ khá tốt nhưng số mã giảm giá vẫn áp đảo hoàn toàn thì điểm tăng không phải là tín hiệu đáng tin cậy. Mặt khác, việc kéo trụ đẩy chỉ số tăng và không dẫn tới thanh khoản tăng lên – thể hiện dòng tiền phục hồi – thì độ tin cậy cũng thấp.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng nhẹ 44,7 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào MSN -24,9 tỷ, chứng chỉ quỹ FUEVFVND -22 tỷ và E1VFMVN30 -21,8 tỷ. Phía mua có VIC +30,9 tỷ, VNM +29,6 tỷ là đáng kể.